Hà Nội: Đề xuất bổ sung, hoàn thiện mạng lưới điểm dừng xe buýt

Thứ sáu, 20/05/2022 09:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có Văn bản số 416/TTr-GTVT trình UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án "Rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân"; trong đó, đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, đưa xe buýt đến gần hơn với đường sắt đô thị.

Chú thích ảnh

Hà Nội đề xuất bổ sung, hoàn thiện mạng lưới điểm dừng xe buýt. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, hướng tới mục tiêu phục vụ hiệu quả việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố, tăng khả năng tiếp cận xe buýt của người dân tạo thuận lợi trong sử dụng phương tiện công cộng; phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của các đề án đang triển khai gồm:

Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt, nâng tổng số điểm dừng xe buýt lên khoảng 6.500 điểm, tăng từ 65 - 70% so với hiện nay, bố trí lại điểm dừng xe buýt tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt để tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt; đồng thời rút ngắn cự ly giữa các điểm dừng liền kề trong khu vực đô thị trong khoảng 300 - 600m, khu vực khác điểm dừng xe buýt được ưu tiên bố trí gần khu dân cư, tiếp cận gần đường, ngõ kết nối vào thôn, xóm.

Ngoài ra, bố trí điểm dừng xe buýt theo hướng tích hợp tiếp cận gần các nhà ga đường sắt đô thị, điểm trông giữ phương tiện cá nhân đảm bảo cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội nghiên cứu giải pháp bố trí điểm dừng xe buýt gần những nút giao để giảm tối đa quãng đường đi bộ trung chuyển giữa các tuyến buýt, đảm bảo an toàn cho hành khách qua đường thông qua hệ thống hạ tầng cho người đi bộ tại nút giao gồm: vạch sơn, đèn tín hiệu... .

Bên cạnh đó, tập trung phát triển thêm 15 điểm trung chuyển xe buýt nâng tổng số điểm trung chuyển xe buýt của thành phố lên 21 điểm, phân bố đều trên địa bàn; tổ chức 53 điểm Park & Ride để người dân có thể gửi phương tiện cá nhân trung chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng; nâng cao khả năng tiếp cận phương tiện xe buýt của người dân nằm ngoài phạm vi đi bộ hợp lý hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân khi tới các khu vực hạn chế hoạt động của xe máy, khu vực thu phí phương tiện cơ giới…

Hà Nội hiện có 3.813 điểm dừng xe buýt; trong đó, chỉ có 361 điểm dừng có nhà chờ, mật độ 1,1 điểm/km2, phục vụ cho hoạt động của 127 tuyến và nhánh tuyến xe buýt. Riêng khu vực nội thành có 1.152 điểm, cự ly bình quân giữa các điểm dừng là 630m; mật độ 3,8 điểm/km2, bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m. Tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt trong phạm vi 500m đạt khoảng 80%, một số khu vực tiếp cận xe buýt với cự ly đi bộ trên 500m do hệ thống đường giao thông có mặt cắt nhỏ không thể tổ chức dịch vụ xe buýt.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hệ thống biển báo điểm dừng xe buýt hiện nay được lắp đặt hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế hạ tầng giao thông, nhu cầu đi lại của hành khách và thuận lợi cho vận hành xe buýt. Tuy nhiên, số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 10%, dẫn đến hạn chế về chất lượng dịch vụ, gây bất tiện cho hành khách, đặc biệt những hành khách chờ chuyển tuyến; chưa phát triển loại hình Park & Ride nên chưa thu hút được nhóm hành khách sử dụng phương tiện cá nhân trung chuyển sang phương tiện công cộng.

Khu vực khả năng tiếp cận bị hạn chế bởi những đường, ngõ nhỏ trong khu vực nội đô hoặc nằm tại các thôn, xóm xa đường trục chính tại khu vực ngoại thành. Nhiều điểm dừng xe buýt không có vạch sơn, cho người đi bộ qua đường, đa số các điểm dừng bố trí xa nút giao, điểm quay đầu, do vậy không thuận lợi cho hành khách. Thông tin dịch vụ xe buýt trên hệ thống hạ tầng còn hạn chế... 

toanld

Nguồn: TTXVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)