Bắc Ninh: Doanh nghiệp vận tải “tiến thoái lưỡng nan”

Thứ hai, 06/06/2022 10:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dịch bệnh COVID-19 hiện cơ bản được kiểm soát, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp (DN) tăng lên là cơ hội để ngành vận tải hồi phục sau thời gian dài gặp khó khăn.

Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây, nhất là từ 15 giờ ngày 1/6, giá xăng dầu tăng kỷ lục (lên mức 31.570 đồng/lít xăng Ron95, 30.230 đồng/lít xăng E5), lượng khách chưa đáp ứng yêu cầu, cùng với nhiều khó khăn khác khiến các doanh nghiệp vận tải đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Đối với các doanh nghiệp vận tải khách theo tuyến cố định, hiện nay mỗi chuyến xe xuất bến, lượng khách chỉ lấp đầy khoảng 40% số chỗ, nên hầu hết mới đưa khoảng một nửa số xe vào hoạt động. Đại diện Ban Quản lý bến xe khách tỉnh cho biết, xăng dầu chiếm khoảng hơn 40% chi phí trong hoạt động vận tải. Do vậy, khi xăng dầu tăng giá tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều nhà xe buộc phải tăng giá vé. Không chỉ có vận tải tuyến, lượng khách đi xe taxi trên địa bàn tỉnh cũng mới đạt khoảng 40-50% so với trước dịch nên để duy trì hoạt động, taxi, xe công nghệ cũng phải tăng giá thêm từ 10 - 15% để tránh tình trạng tiếp tục thua lỗ. Bên cạnh việc cố gắng đưa một phần phương tiện vào hoạt động để phục vụ và giữ chân hành khách, thời gian qua, các nhà xe cũng phải nhận chở thêm hàng hóa bưu phẩm để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, vấn đề “đau đầu” nhất đối với các hãng xe taxi là tình trạng doanh thu của lái xe, doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí thu không đủ bù chi nên hàng loạt tài xế nghỉ việc.

Anh Hoàng Đức Tuấn (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) tài xế của hãng Ataxi cho biết: Nhu cầu đi lại của người dân sau thời gian dịch bệnh giảm đáng kể, mỗi ngày anh chỉ chạy được 1-2 chuyến nên thu không đủ chi. Thậm chí có những ngày không được “cuốc” nào nên anh đành nghỉ việc, tìm cơ hội việc làm khác.

Giá xăng dầu tăng cao khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tiếp tục gặp nhiều khó khăn

Anh Ngô Văn Lập (lái xe của Hãng taxi Mai Linh) tâm sự: Trước thời điểm giá xăng chạm ngưỡng 30 nghìn đồng/lít thì cánh tài xế như anh chạy xe đã không đủ chi rồi, giờ giá xăng cao chót vót thì khó mà “trụ” nổi với nghề, anh cũng đang tính phương án tìm công việc khác.

Cán bộ điều hành nhiều hãng taxi trong tỉnh chia sẻ: Xăng tăng, tài xế nghỉ việc, xe hợp tác ngừng kinh doanh là khó khăn chung mà các hãng taxi đang đối diện. Việc tuyển dụng lao động vẫn là bài toán nan giải của các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe taxi. Nhất là từ trung tuần tháng 3 đến nay doanh nghiệp thiếu nhân sự trầm trọng nhất. Mặc dù doanh nghiệp liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng trên nhiều kênh mạng xã hội với số lượng tài xế cần tuyển lớn nhưng vẫn không đủ.

Ông Nguyễn Duy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Logistic SBI, doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ logistics ở Bắc Ninh và các tỉnh lân cận cũng nhận định công việc kinh doanh đang gặp khó khăn bởi giá xăng dầu cùng các chi phí phát sinh khác. Công việc nhiều nhưng lợi nhuận ít, thậm chí là âm, bởi mỗi phương tiện trước đây chi phí nhiên liệu chỉ hơn một nửa so với hiện nay. Trong khi đó, nếu so với trước, giá cước vận tải thu của khách hàng không thay đổi nhiều. Đối với vận tải hàng hóa, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nguyên vật liệu tiếp tục tăng do tình hình sản xuất công nghiệp, xây dựng, xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng khá. Đây là tín hiệu tốt của hoạt động vận tải hàng hóa khi vẫn duy trì được doanh thu và sản lượng. Tuy vậy, nếu theo tốc độ tăng giá xăng, dầu như hiện nay, giá xăng, dầu chiếm đến gần 40% chi phí đầu vào thì sự tăng trưởng này chưa đáp ứng chi phí thực tế mà các doanh nghiệp đang phải chi trả. Do đó, không ít doanh nghiệp vận tải đang tính phương án thu hẹp quy mô, mong chờ vào những chính sách hỗ trợ để tiếp tục phục vụ nhân dân đi lại.

kimcuc

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)