Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường nhiều giải pháp, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn xe quá tải, tuy nhiên, thực trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Phải chăng, lợi nhuận từ chở quá tải, quá khổ là nguyên nhân khiến các chủ doanh nghiệp vận tải hiện nay bất chấp quy định trong kinh doanh.
Quốc lộ 27
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 88 nghìn phương tiện xe ô tô các loại, trong đó xe ô tô tải chiếm hơn 23.700 và hơn 1 nghìn xe trọng tải lớn. Theo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng, để có giải pháp ngăn chặn xe quá tải, thực hiện Thông tư 42 của Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2014 đến nay, các phương tiện trọng tải khi vào đăng kiểm tại đây đều phải viết bản cam kết không chở quá tải. Thực tế, phương án này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ngoài Quốc lộ 20, tại các tuyến tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, liên xã vùng sâu, vùng xa, xe trọng tải lớn vẫn ngang nhiên hoạt động. Để kịp thời ngăn chặn, ngoài trách nhiệm của lực lượng công an các huyện, thành phố thì cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông của tỉnh cần đẩy mạnh công tác phối hợp, xây dựng phương án hỗ trợ, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện trọng tải vi phạm.
Thực tế cho thấy, hiện nay, tình trạng xe cơi nới thành thùng phần nào được kiểm soát, đặc biệt, 100% phương tiện tự ý cơi nới thành thùng sẽ không được thực hiện đăng kiểm trước khi tự giác chấp hành việc cắt thành thùng theo đúng thiết kế kỹ thuật của nhà sản xuất. Lực lượng thanh tra giao thông thời gian qua cũng đã phối hợp tổ chức thanh kiểm tra, phối hợp các lực lượng chức năng xử lý vi phạm cơi nới kích thước thành thùng xe để chở hàng quá khổ, quá tải tham gia giao thông tuy nhiên, hiện tượng xe chở quá khổ, quá tải và cơi nới thùng xe vẫn còn xảy ra.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến về công tác bảo đảm trật tự ATGT, khi đề cập đến vấn đề này, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng liên quan cùng với các địa phương cần thực hiện các giải pháp hiệu quả hơn trong lộ trình ngăn chặn xe quá tải. Và để tăng cường kiểm soát tải trọng xe, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đồng chí yêu cầu thời gian tới, các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch chuyên đề xử lý xe quá tải trên địa bàn tỉnh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng xe chở hàng quá tải, gây mất ATGT và phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là pháp luật về trật tự ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện….
Bên cạnh đó, theo Ban ATGT các địa phương, để xử lý triệt để tình trạng này, cần phải có kế hoach rà soát các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác mỏ, san tạo mặt bằng yêu cầu ký cam kết không bốc, xếp hàng hóa quá tải trọng phương tiện, khi phương tiện vận chuyển hàng ra khỏi mỏ, khu vật liệu phải có biện pháp vệ sinh, che phủ bạt để đảm bảo môi trường… Lực lượng chức năng cũng cần phải làm tốt công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các chủ mỏ, chủ đất không thực hiện đúng cam kết theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng xe chở hàng quá tải, gây mất ATGT và phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm chở hàng quá trọng tải lưu thông trên đường. Yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng sản bảo đảm tuân thủ quy định khổ giới hạn, tải trọng cho phép của phương tiện, cầu đường khi xếp hàng hóa lên phương tiện vận chuyển tại mỏ...
Để công tác quản lý và ngăn chặn xe quá khổ, quá tải có hiệu quả, ngoài trách nhiệm của các ngành chức năng thì chính các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải và các lái xe cũng cần nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định Luật ATGT đường bộ.