Cùng với những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thời gian qua, biến động của giá xăng dầu, giá nhiều loại nguyên vật liệu chính trong thi công như cát, cấp phối đá dăm, bê tông nhựa asphant… cũng “nhảy múa” làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Dự án ĐTXD đường giao thông
từ TL.277 đến khu Lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ (thành phố Từ Sơn)
Năm 2022, Ban Quản lý DAXD Giao thông (Sở GTVT tỉnh) được phân bổ sử dụng hơn 1.185 tỷ đồng vốn đầu tư công để triển khai 19 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 12 dự án chuyển tiếp được phân bổ hơn 480,6 tỷ đồng và 7 dự án khởi công mới với tổng vốn phân bổ hơn 704,6 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 6, đơn vị mới giải ngân được hơn 112 tỷ đồng, đạt 10,4% kế hoạch vốn được giao, riêng nguồn vốn cho các dự án khởi công mới chỉ giải ngân đạt 7%. Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn, ông Vũ Tử Trọng, Giám đốc Ban QLDA Xây dựng Giao thông cho biết: Hầu hết các công trình do Ban làm chủ đầu tư đều đang bị vướng mắc về mặt bằng. Cụ thể, trong số 12 dự án chuyển tiếp đang được triển khai có tới 9 dự án đang gặp những vướng mắc về mặt bằng khiến nhiều công trình phải tạm dừng hoặc thi công cầm chừng. Đơn cử, Dự án ĐTXD đường giao thông từ TL.277 đến khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ (thành phố Từ Sơn) đang triển khai thi công giai đoạn I từ bờ sông Ngũ Huyện Khê đến cuối tuyến (từ Km2+251,24 đến Km4+283,36).
Hiện tại, chủ đầu tư và nhà thầu thi công mới được bàn giao mặt bằng đoạn Km2+251,24- Km3+952,16. Tuy nhiên, ngay trong đoạn được bàn giao mặt bằng cũng vẫn còn vướng mắc tại đoạn tuyến từ Km2+251,24 đến Km2+441,24 do phải điều chỉnh phê duyệt phương án bồi thường đối với 26 hộ dân khu phố Tiến Bào (phường Phù Khê); đoạn tuyến Km2+975,59 - Km4+051 cũng mới được bàn giao mặt bằng một phần do đường dây tải điện 110KV nằm trên giải phân cách giữa; đoạn từ Km3+952 đến Km4+282 còn 10 hộ dân khu phố Phù Khê Đông chưa nhận tiền bồi thường…
Hay như dự án đầu tư xây dựng Cầu Nét trên đường TL.295 đoạn Yên Phong - Từ Sơn vẫn chưa có mặt bằng thi công phía huyện Yên Phong do vướng mắc 12 hộ dân ở đầu cầu xã Đông Thọ nằm trong phạm vi hành lang đê Ngũ Huyện Khê. Theo yêu cầu Hội đồng GPMB huyện Yên Phong phải tiến hành rà soát nguồn gốc đất, quy chủ, phê duyệt phương án trong tháng 5-2022. Tuy nhiên, đến nay phương án bồi thường cho 12 hộ dân này vẫn chưa được phê duyệt khiến tiến độ thi công bị chậm.
Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, các dự án kế hoạch khởi công mới của Ban đang trong giai đoạn chuẩn bị đấu thầu nên việc giải ngân chắc chắn không thể cao. Thông thường, khoảng thời gian quý 3-4 của năm, các dự án được đẩy nhanh khối lượng thì tiến độ giải ngân sẽ nhanh hơn.
Cùng với công tác giải phóng mặt bằng, thời gian qua, giá xăng, dầu tăng cao, giá các loại nguyên vật liệu chính cũng “nhảy múa” đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thi công dự án. Thống kê từ cùng thời điểm năm 2021 đến nay, giá xăng dầu đã tăng tới gần 60%; các vật liệu chủ yếu cho các dự án xây dựng giao thông như cát, cấp phối đá dăm, bê tông nhựa asphant hay cả xi măng, sắt thép… đều tăng. Theo thống kê sơ bộ của Ban Quản lý dự án XDGT, từ đầu năm 2022 đến nay, nếu tính công bố chỉ số giá địa phương thì trượt giá vật liệu tăng 5-7%, tuy nhiên trên thực tế trượt giá lên tới 17-18%, thậm chí có chủng loại tăng tới 30%. Mức biến động này vượt quá sự tính toán của nhà đầu tư và cơ quan quản lý dự án trong khi hầu hết các dự án đều được đấu thầu, phê duyệt giá trị trúng thầu từ những năm trước. Vì thế, có tình trạng một số nhà thầu chờ giá vật liệu, nhiên liệu hạ xuống mới mua để triển khai thi công; đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị giãn, chậm.
Hầu hết các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai đều mang tính chất trọng điểm, động lực, góp phần đồng bộ, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh và các địa phương. Để đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án hạ tầng giao thông, Ban QLDA Xây dựng Giao thông yêu cầu các nhà thầu liên tục triển khai thi công tại các dự án; đồng thời mong muốn các địa phương tích cực hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng; các cơ quan chức năng nghiên cứu triển khai điều chỉnh, công bố chỉ số giá vật liệu xây dựng phù hợp với thực tiễn...