Những năm qua, huyện Chợ Mới, An Giang phát huy nội lực gắn với thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp, phát triển hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn. Từ đó, tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, thông thương hàng hóa, đầu tư phát triển sản xuất cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Người dân tham gia ngày công nhựa hóa
tuyến đường liên xã do “Nhà nước và nhân dân cùng làm”
Xác định phát triển giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Chợ Mới đã tập trung lồng ghép các nội dung tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cũng như ý nghĩa, lợi ích của việc thực hiện nâng cấp, phát triển hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tích cực, tự nguyện hiến đất, nguyên vật liệu và tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động của đông đảo người dân.
Đến nay, toàn huyện Chợ Mới đã huy động các nguồn lực xã hội hóa và vận động nhân dân đóng góp làm đường, mở rộng mặt đường, sửa và dặm vá đường giao thông nông thôn được 56 tuyến với tổng chiều dài gần 50,55km, tổng kinh phí hơn 49,4 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đã hiến 39.570m2 đất. Huyện còn vận động xây dựng cầu bê-tông nông thôn thay thế các cây cầu đã xuống cấp. Kết quả, nhân dân đã thực hiện đóng góp xây mới 33 cây cầu giao thông nông thôn, sửa chữa 12 cây cầu với tổng kinh phí hơn 14,6 tỷ đồng. Toàn huyện còn thực hiện trồng hoa, cây xanh trên 120 tuyến đường ở địa bàn các xã, thị trấn với tổng chiều dài 208,7km. Trong đó, trồng 31.894 cây hoa các loại, như: Xà cừ, hoàng yến, bằng lăng, trang, dừa cạn, trắc bá diệp, cau, hồng lộc... với tổng kinh phí vận động từ nhân dân hơn 1 tỷ đồng.
Tại "công trường" làm đường nhựa tại xã Kiến An vào một ngày hè nắng như đổ lửa, nhưng không khí làm việc rất khẩn trương, nhiệt tình. Nhiều người dân địa phương tích cực tham gia đổ nhựa, rải đá tuyến đường nông thôn đã xuống cấp với nhiều “ổ gà”, “ổ voi” trong thời gian dài. Đây là tuyến đường giao thông liên xã thuộc ấp Kiến Bình 2, nối liền xã Kiến An và Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới). Con đường dài 900m, rộng 6m, do nhân dân xã Kiến An cùng nhau đóng góp tiền, vật liệu, công sức để mở rộng và nhựa hóa với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, số tiền còn lại từ nguồn vận động xã hội hóa trong nhân dân. “Con đường này lúc trước vừa nhỏ, vừa bị hư hỏng nặng, bà con và các cháu học sinh đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Khi chính quyền địa phương có chủ trương mở rộng và láng nhựa lại tuyến đường, tôi cùng bà con ở đây rất vui mừng, phấn khởi, tích cực góp công, góp sức” - ông Lê Văn Sẻn (82 tuổi, người dân xã Kiến An) phấn khởi.
Để hoàn thành những con đường mới phục vụ nhân dân, không thể không kể đến sự hỗ trợ tích cực của các thành viên Đội lấp vá đường từ thiện huyện Chợ Mới. Ông Lê Văn Khanh (một thành viên của đội) cho biết, mặc dù bận rộn với công việc gia đình, nhưng khi hay tin đội từ thiện đi làm đường ở đâu, ông Khanh cũng sắp xếp thời gian để tiếp sức cùng mọi người. “Những lần có dịp trở lại những con đường mà tôi tham gia cùng Đội lấp vá đường từ thiện huyện Chợ Mới làm, nhìn thấy mọi người đi lại thuận tiện trên con đường rộng rãi, thông thoáng, tôi rất vui. Đó là động lực để tôi và các anh em trong đội tiếp tục công việc của mình, còn sức là còn làm để đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển của quê hương” - ông Khanh chia sẻ.
Để thực hiện tốt công tác xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, UBMTTQVN và các đoàn thể xã Kiến An đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng công trình, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức họp nhân dân xin ý kiến thống nhất để triển khai thực hiện và có sự giám sát chặt chẽ của Ban Giám sát nhân dân. Chính sự bàn bạc dân chủ trên nền tảng dựa vào nhân dân để thực hiện đã tạo sự ủng hộ cao.
Chủ tịch UBMTTQVN xã Kiến An Phan Văn Dư cho biết, thời gian qua, công tác xã hội hóa của địa phương được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Công tác tiếp nhận đóng góp của nhân dân cũng như tiến độ triển khai thực hiện các công trình được địa phương thực hiện một cách công khai, minh bạch, ghi chép rõ ràng và được công bố rộng rãi để nhân dân nắm. Qua đó, được người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tích cực đóng góp tiền, vật chất và ngày công phục vụ cho các tuyến đường được sớm hoàn thành. Đây là điều kiện góp phần đưa xã Kiến An sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Chợ Mới đã huy động và phát huy được nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân trong công tác xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Từ đó, nhiều tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, các cây cầu bê-tông nối nhịp nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sớm giúp huyện Chợ Mới hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.