Hà Nội: Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm

Thứ tư, 06/07/2022 09:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố đã đạt trên 70% khối lượng công việc, cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra.

Dự án giao thông trọng điểm sau khi hoàn thành

sẽ giải quyết các điểm nóng ùn tắc trên địa bàn TP

Cụ thể, đến nay, dự án đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng; tiến độ toàn dự án ước đạt trên 70% khối lượng công việc. Hiện, dự án đường Vành đai 2 trên cao đang gấp rút hoàn thành để đảm bảo tiến độ đã đề ra.

 

Hiện nhịp cầu cuối cùng của đường Vành đai 2 nằm ngay Ngã Tư Vọng
đang được nhà thầu khẩn trương thi công. Dự kiến ngày 10/7, đoạn tuyến trên cao sẽ được hợp long

Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô Hà Nội, dài 43,6 km, chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy, tạo thành vòng tròn khép kín. Sau hơn 4 năm thi công, vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy sắp hoàn thiện, dự kiến khai thác tháng 6/2023. Dự án có tổng đầu tư sau điều chỉnh gần 10.000 tỷ đồng, nối liền ba quận trung tâm gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.

Ga Nhổn trên cao thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đường trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ toàn dự án đạt 74,7%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,3%; đoạn ngầm đạt 33%. Thành phố đang cùng chủ đầu tư tập trung hoàn thiện nốt các phần việc trên cao để đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2022, đồng thời tiếp tục xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đoạn đi ngầm.

Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 (Hà Nội) giai đoạn 2
cơ bản hoàn thành các trụ cầu, dự kiến hoàn thành vào năm 2023

Đối với dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thành phố khởi công tháng 01/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km, mặt cắt ngang 19,3 m; điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và phố Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Đến nay, dự án đã giải ngân được 37,5% kế hoạch vốn năm 2022, chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông, phấn đấu hoàn thành trước mùa lũ năm nay. 

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sau khi khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố, đồng thời sẽ giải quyết bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào tháng 6/2023. Sau khi hoàn thành cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ có 4 làn xe lưu thông theo hướng từ trung tâm TP Hà Nội sang Long Biên. 4 làn xe gồm: 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đường đi bộ.

“Để đáp ứng tiến độ và đạt được khối lượng công việc trên, công trường cầu Vĩnh Tuy 2 đang có hơn 500 cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công 24/24h”, đại diện Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP Hà Nội cho hay.

Dự án hầm chui Lê Văn Lương đi qua Vành đai 3
nhìn từ trên cao. Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, thi công liên tục với 3 ca/ngày

Tại dự án hầm chui Lê Văn Lương, ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu dự án cho biết: Dự án chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 hiện đã hoàn thành, còn giai đoạn 2 cũng đã thi công xong 3/5 đốt hầm kín. Việc hoàn thành thi công xong 3 đốt hầm kín được coi là bản lề phục vụ cho việc thi công giai đoạn 3.

“Đến ngày 30/8, toàn bộ các đốt hầm kín sẽ được thi công xong. Sau đó, đơn vị sẽ chuyển sang thi công các hạng mục như: Đèn chiếu sáng, sơn kẻ đường, biển báo giao thông để kịp thông xe vào ngày 10/10, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân” - ông Phúc cho hay.

Hầm chui Lê Văn Lương được khởi công từ tháng 10/2020, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng (trong đó giá trị dự toán xây dựng là hơn 341 tỷ đồng). Hầm chui được xây dựng theo hướng đường Lê Văn Lương, đi ngầm qua nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m.

Thời gian tới, TP Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương, có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp,...  để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

 

toanld

Nguồn: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)