Những năm qua, Phú Thọ đã tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông; trong đó nhiều cây cầu nối liền tỉnh Phú Thọ với các địa phương lân cận đã và đang được xây dựng. Những công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, rút ngắn thời gian lưu thông, bảo đảm an toàn giao thông, phát triển kinh tế của vùng mà còn là biểu tượng kết nối giao lưu văn hóa, tình cảm mật thiết giữa nhân dân các địa phương.
Cầu Văn Lang được đưa vào sử dụng, kết nối tỉnh Phú Thọ với thành phố Hà Nội,
tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 12 cầu lớn (các cầu: Đoan Hùng, Kim Xuyên, Hùng Lô, Hoàng Cương trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hạc Trì, Việt Trì, Hạ Hòa, Ngọc Tháp, Phong Châu, Đồng Quang, Trung Hà, cầu Văn Lang) bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy, trên 400 cầu trung và cầu nhỏ trên các tuyến quốc lộ, đường địa phương.
Ông Trần Minh Bộ, người dân ở phường Thanh Miếu, TP Việt Trì nhớ lại: “Trước năm 2018, khi chưa có cầu Văn Lang, người dân đôi bờ sông Hồng - bờ hữu là TP Việt Trì, bờ tả là huyện Ba Vì, TP Hà Nội từng chịu cảnh muốn “qua sông phải lụy đò”. Nối đôi bờ sông Hồng ở đoạn này là những chuyến phà ngang mà dòng sông rộng nên thời gian chờ phà rất lâu, lại thêm chí phí đi phà cao nên gây khó khăn cho người dân”.
Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ GTVT, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, dự án cầu Văn Lang được thống nhất chủ trương đầu tư với mức đầu tư hơn 1.460 tỉ đồng. Cầu được khởi công vào ngày 01/08/2016 và chính thức đưa vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), vượt tiến độ trước hai năm. Cầu nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C, các phương tiện từ TP. Việt Trì đi Hà Nội, rút ngắn được khoảng 30km so với các tuyến đường hiện nay.Cây cầu giúp bà con đi lại làm ăn, thông thương kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Hà Nội, Phú Thọ và các tỉnh Tây Bắc.
Cùng với hệ thống cầu đường bộ nội tỉnh, những cây cầu trên các tuyến quốc lộ nối Phú Thọ với các địa phương lân cận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của vùng. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng bố trí nguồn lực để đầu tư, nâng cấp những nhịp cầu đối ngoại này.
Được khởi công từ tháng 1/2022, cầu Vĩnh Phú giao với đê hữu sông Lô thuộc phường Dữu Lâu (TP. Việt Trì) và kết thúc tại điểm giao với đê tả sông Lô, xã Đức Bác (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Cầu có tổng chiều dài hơn 509m, trong đó cầu chính dài 290m, cầu dẫn phía tỉnh Phú Thọ dài 70,75m; tổng mức đầu tư hơn 540 tỉ đồng. Theo cam kết của nhà thầu, công trình sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 06/2023. Việc đầu tư dự án cầu qua sông Lô đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đồng thời, cầu Vĩnh Phú là biểu tượng kết nối giao lưu văn hóa, tình cảm mật thiết giữa nhân dân hai tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc.
Theo đồng chí Trần Hoài Giang - Giám đốc Sở GTVT, Phú Thọ là đầu mối giao thông quan trọng, là khu vực trung chuyển giữa các tỉnh khu vực đồng bằng với các tỉnh miền núi phía Bắc và vận chuyển quốc tế. Trong quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra những dự báo cụ thể về nhu cầu vận tải (hàng hóa, hành khách) nội tỉnh cũng như liên tỉnh để có kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông.
Thực hiện quy hoạch, tỉnh Phú Thọ đã huy động các nguồn lực để đầu tư mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ, thu được nhiều kết quả quan trọng nổi bật.Tỉnh cũng đã xây dựng nhiều cây cầu lớn như cầu Đoan Hùng, cầu Kim Xuyên, các cầu Hùng Lô, Hoàng Cương trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Hạc Trì, cầu Ngọc Tháp, cầu Đồng Quang, cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy. Qua đó góp phần thực hiện nhiều mục tiêu của Quy hoạch, tạo sự kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với hệ thống giao thông đối ngoại và các vùng trong tỉnh.