An Giang: Động lực phát triển từ các dự án giao thông trọng điểm

Thứ hai, 18/07/2022 15:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án, trong đó có 2 dự án trọng điểm, gồm: Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Khi hoàn thành, các dự án giúp kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, đảm bảo an toàn giao thông khu vực ĐBSCL; tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho tỉnh An Giang, khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt ngày 13/12/2018. Dự án có tổng chiều dài 17,3km (trong đó có khoảng 2km nâng cấp đoạn nối Quốc lộ 80), quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng với 2 làn xe đi qua 8 phường, xã.

Theo thiết kế, trên tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên có 19 cầu, hệ thống thoát nước ngang mặt và hệ thống chiếu sáng. Tổng mức đầu tư trên 2.107 tỷ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án được triển khai các thủ tục thi công đầu năm 2022 và dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2023.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công
tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên

“Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần rất lớn trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải tỏa tình trạng ách tắc giao thông tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua nội ô TP. Long Xuyên gần 20 năm qua, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển không gian đô thị, kỳ vọng mới về TP. Long Xuyên văn minh, thông minh, hiện đại. Đồng thời, dự án còn là đòn bẩy để phát triển kinh tế và mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Dự án sau khi hoàn thành còn giúp phát huy hiệu quả của các dự án đã và đang được triển khai thực hiện, như: Cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi... Đặc biệt, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Châu Đốc về cầu Vàm Cống còn 1 giờ.

Hiện nay, dự án trong giai đoạn thi công đắp, tôn cao nền đường bằng cát. Tuy nhiên, việc cung ứng vật liệu (cát) hiện gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để giải quyết tình trạng này, nhằm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, UBND tỉnh An Giang đã chấp thuận chủ trương bố trí 3 khu mỏ cát cung cấp cho công trình, gồm: Khu mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Tấn Thắng cung cấp với khối lượng 320.000m3; khu mỏ cát trên sông Tiền (thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Hải Toàn cung cấp 150.000m3; khu mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) của Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng cung cấp 330.000m3.

Đồng thời, UBND tỉnh An Giang đã đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo các nhà thầu, nhà cung cấp cát ký hợp đồng với các đơn vị khai thác cát theo quy định và đảm bảo nguồn cát này phải được cung ứng đúng cho dự án này. Song song đó, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện cung ứng cát.

Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 với 188,2km chiều dài tuyến, có 4 làn xe, bề rộng nền 17m, tốc độ thiết kế 80-100km/giờ; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang với chiều dài 57,2km (dự án thành phần 1) có điểm đầu tại TP. Châu Đốc đến huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.799 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện dự án: Năm 2022, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án; năm 2025, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn; năm 2026, cơ bản hoàn thành toàn tuyến và năm 2027, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án.

Hiện nay, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đã được quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 60/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội; Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ để ban hành nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết 60/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, dự thảo nghị quyết của Chính phủ do Bộ Giao thông vận tải trình: UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản dự án thành phần đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang. Theo đó, UBND tỉnh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Nếu Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết giao làm cơ quan chủ quản dự án thành phần thì UBND tỉnh sẽ giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh tổ chức thực hiện, quản lý dự án theo đúng quy định.

Đồng thời, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản cam kết với Bộ Giao thông vận tải đảm nhận làm cơ quan chủ quản thực hiện đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và các quy định hiện hành đối với dự án thành phần 1 điểm đầu tại TP. Châu Đốc đến huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ). Thực hiện ý kiến của Chính phủ việc triển khai dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết cam kết và cân đối 1.380 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Việc đầu tư dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL qua TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

kieuanh

Nguồn: Báo An Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)