Hậu Giang: Nỗ lực giao sớm 70% mặt bằng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Thứ tư, 03/08/2022 08:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang, công tác giải phóng mặt bằng dự án Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau có nhiều điểm sáng.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau qua Hậu Giang dài khoảng 63km giao cắt với 2 tuyến quốc lộ và Đường tỉnh 930.

Nỗ lực giao sớm 70% mặt bằng

Dự án xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài khoảng 110km, đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Đoạn đi qua Hậu Giang ảnh hưởng 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện (Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ) với tổng chiều dài hơn 63km. Đến nay, Hậu Giang đã kiểm kê xong 2 đợt sớm hơn tiến độ khoảng 3 tháng. Đợt 3 nhận bàn giao ranh mốc giải phóng mặt bằng đã kiểm đếm đạt khoảng 90% (tính đến ngày 27-7).

Nhận xét về tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Hậu Giang, ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho rằng: Khối lượng công việc phải thực hiện liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn thuộc Hậu Giang là rất lớn do chiếm tới 57% tổng chiều dài tuyến. Tuy nhiên, tỉnh đã tiến hành đo đạc kiểm đếm sớm hơn kế hoạch. Với tiến độ này, mục tiêu tháng 11 bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án là hoàn toàn khả thi.

Đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có 4 nút giao IC3, IC4, IC5, IC6. Trong phạm vi 4 nút giao cần giải phóng mặt bằng có các công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời gồm tuyến điện, ống nước, cáp viễn thông… Các ngành tỉnh đang khẩn trương phối hợp để thống nhất đưa ra phương án di dời tối ưu và tiết kiệm kinh phí nhất.

Theo ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, ngày 21/7 vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các đơn vị liên quan để thống nhất phương án, làm cơ sở để đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự toán kinh phí. Về hồ sơ, thủ tục, đề nghị các đơn vị có công trình bị ảnh hưởng ưu tiên sớm hoàn chỉnh phương án di dời, gửi sở, ngành quản lý chuyên ngành để kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thỏa thuận vị trí, phương án di dời. Sau khi Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có ý kiến về vị trí, phương án di dời, đơn vị tư vấn sẽ lập hồ sơ thiết kế, dự toán kinh phí trình cơ quan thẩm quyền thẩm tra theo quy định.

Để xúc tiến giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quan tâm ưu tiên bố trí sớm và đảm bảo kinh phí để thực hiện trong năm 2022. Đồng thời đề nghị UBND cấp huyện theo dõi, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn ưu tiên sớm xác nhận xong các thông tin pháp lý theo quy định. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét chấp thuận trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn tư vấn. Các sở, ngành quản lý chuyên ngành hỗ trợ về hồ sơ thủ tục và đề nghị các đơn vị quản lý công trình ưu tiên di dời, bàn giao mặt bằng trước ngày 20/10/2022 theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Sớm di dời hạ tầng kỹ thuật

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận ông Lê Đức Tuân cho rằng: Khi di dời công trình hạ tầng kỹ thuật cần thực hiện đồng bộ. Trong quá trình thực hiện, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận để thống nhất trước khi trình phê duyệt phương án di dời nhằm đảm bảo yếu tố an toàn trong quá trình thi công sau này. Từ nay đến lúc bàn giao mặt bằng, đề nghị tỉnh Hậu Giang hoàn chỉnh, phê duyệt đầy đủ các hồ sơ, thủ tục liên quan. Về hồ sơ dự án và các quyết định phê duyệt dự án, đơn vị sẽ sớm chuyển cho mỗi tỉnh 1 bộ để làm cơ sở triển khai các thủ tục liên quan tiếp theo thẩm quyền.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: Hậu Giang rất phấn khởi đón các dự án cao tốc đi qua địa bàn. Đồng thời cho biết tỉnh đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương lân cận quyết tâm triển khai nhanh, đúng tiến độ và đảm bảo đúng quy định pháp luật những công việc được giao. Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tất cả các cấp chính quyền, các đơn vị phải di dời hạ tầng, quyết liệt triển khai giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng tiến độ trong tháng 11 bàn giao khoảng 70%.

Để đáp ứng tiến độ này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các huyện có dự án đi qua gồm Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các khu tái định cư. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh gấp rút lập dự án giải phóng mặt bằng. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất khẩn trương làm việc với các đơn vị có hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng để cùng thống nhất phương án di dời và kế hoạch di dời, khái toán sơ bộ chi phí. Đồng thời sớm khái toán kinh phí để bổ sung vào kinh phí giải phóng mặt bằng. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch triển khai dự án tái định cư. Hậu Giang sẽ quyết liệt chỉ đạo hơn nữa, nhất là phần di dời hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo giải phóng mặt bằng đúng và sớm tiến độ đề ra.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài khoảng 110km, đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang ảnh hưởng có 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện gồm huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ với có chiều dài khoảng 63km, tương đương 57% tổng chiều dài của dự án; diện tích đất bị thu hồi khoảng 395,7/866,09ha. Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã kiểm kê xong 2 đợt sớm hơn tiến độ khoảng 3 tháng. Đợt 3 nhận bàn giao ranh mốc giải phóng mặt bằng đã kiểm đếm đạt khoảng 90% (tính đến ngày 27/7)

toanld

Nguồn: Báo Hậu Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)