Huyện Tân Sơn (Phú Thọ): Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Thứ năm, 11/08/2022 11:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã và đang phát huy lợi thế, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đường vào khu Minh Nga, xã Thạch Kiệt được bê tông hóa,
tạo thuận tiện đi lại của nhân dân, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội

Để thực hiện xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong điều kiện cắt giảm đầu tư công, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung xác định thứ tự ưu tiên việc huy động và bố trí nguồn lực cho các lĩnh vực, các dự án quan trọng, tạo tiền đề phát triển các ngành, các lĩnh vực. Một trong những khâu đột phá mà Tân Sơn tập trung thực hiện là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển. Năm năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của huyện đạt hơn 3.900 tỉ đồng, trong đó, tổng vốn đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đạt hơn 1.200 tỉ đồng.

Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, với 46km Quốc lộ 32 được nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới và nâng cấp gần 163km tỉnh lộ, huyện lộ, đường giao thông nông thôn, 14 cây cầu dân sinh được xây dựng mới, góp phần khắc phục tình trạng chia cắt, cô lập trong mùa mưa lũ. Đến nay, tỉ lệ cứng hóa đường giao thông của huyện đạt 77,2%, trong đó đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%...

Các công trình giao thông được đầu tư đã tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất và giao thương với các vùng lân cận, phục vụ thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng và sản xuất công nghiệp. Một số hạng mục thiết yếu như đường giao thông, cấp thoát nước, cấp điện cho cụm công nghiệp Tân Phú quy mô 45ha cũng đã được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện, các doanh nghiệp trong cụm tiếp tục duy trì, ổn định hoạt động sản xuất, tổng doanh thu đạt trên 100 tỉ đồng, tăng 50 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.055 lao động trong và ngoài địa phương, thu nhập bình quân từ 5.000.000-8.000.000 đồng/người/tháng.

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp trọng điểm để phát triển các sản phẩm chủ lực như chè, rừng sản xuất, chăn nuôi đại gia súc, gà nhiều cựa. Đặc biệt, thời gian qua, huyện đã hỗ trợ các hộ dân hơn 20 tỉ đồng phát triển trên 1.200 con trâu, bò giống sinh sản, nhờ đó trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò tập trung. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt gần 400 tỉ đồng. Chăn nuôi gia súc đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, thực hiện chương trình phát triển mạng lưới điện, huyện đã tập trung huy động nguồn lực nâng cấp khắc phục tình trạng thiếu điện, chất lượng điện kém, đáp ứng kịp thời cho phát triển sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp, dịch vụ. Hạ tầng thông tin, truyền thông phát triển nhanh, phủ sóng 4G tới 100% khu dân cư, cáp quang được kéo tới 100% trung tâm xã, chất lượng dịch vụ được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Hạ tầng văn hóa, thể thao được đầu tư đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 960 tỉ đồng, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo 2,01%, tỉ lệ hộ cận nghèo 2%.

hoavt

Nguồn: Báo Phú Thọ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)