Bến Tre: Kỳ vọng đột phá từ tuyến đường ven biển

Thứ năm, 25/08/2022 08:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mục tiêu tầm nhìn của tỉnh, đến năm 2030, Bến Tre có nền kinh tế (KT) tăng trưởng ổn định theo định hướng phát triển về hướng Đông... Đây là hướng mới, lấy các trục giao thông chính làm “xương sống”, kỳ vọng khơi dậy tiềm năng, mang lại sự đột phá trong phát triển tỉnh đến năm 2030 và năm 2045.

Đường tỉnh 883 tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri được thiết kế cấp đường đô thị
thứ yếu, mặt đường rộng từ 10,5m thúc đẩy kinh tế địa phương

Trục giao thông chính

Việc nhận diện hạn chế KT phát triển chưa toàn diện, chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô KT còn thấp, đến năm 2020 chỉ đứng thứ 11/13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) càng thúc đẩy động lực phải vươn lên của tỉnh. Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 24-8-2021 về tầm nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045 của HĐND tỉnh đưa ra các giải pháp động lực để thực hiện tầm nhìn. Trong đó, có 3 giải pháp hàng đầu là về quy hoạch không gian, cụ thể cấu trúc không gian tỉnh phát triển dựa trên các trục giao thông chính, về sử dụng đất và về phát triển kết cấu hạ tầng.

Về quy hoạch không gian, cấu trúc không gian tỉnh phát triển dựa trên các trục giao thông chính theo hướng Đông - Tây: gồm 3 tuyến quốc lộ (QL) chạy dọc theo 3 cù lao, tuyến QL.57 trục giao thông lõi của cù lao Minh, QL.57B trục giao thông lõi của cù lao An Hóa và QL.57C trục giao thông lõi của cù lao Bảo. Theo hướng Bắc - Nam: gồm tuyến QL.60, tuyến đường ven biển và dự kiến sau năm 2030 sẽ hình thành tuyến cao tốc nối liền TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh phát triển KT và đô thị của tỉnh. Nghị quyết về tầm nhìn phát triển tỉnh đến năm 2030 và năm 2045 của HĐND tỉnh cũng chỉ rõ, khu vực phía Đông đường ven biển sẽ là vùng phát triển KT biển, du lịch, năng lượng gió, nuôi tôm và bảo tồn rừng ngập mặn. Khu vực phía Tây tuyến đường ven biển ở Bình Đại và Ba Tri sẽ được đầu tư các công trình ngăn mặn để phát triển đô thị, KT biển và ổn định sản xuất nông nghiệp.

Về phát triển kết cấu hạ tầng trong tương lai, hệ thống giao thông với hai trục động lực giao thông Bắc - Nam của tỉnh là QL.60 nối cầu Rạch Miễu 2 đi xuống phía Nam và tuyến đường ven biển, tạo hành lang giao thông tốc độ cao qua tỉnh và rút ngắn thời gian đi TP. Hồ Chí Minh. Các trục giao thông Đông - Tây để phát triển tỉnh về hướng Đông. Phát triển hệ thống giao thông thủy, bến tàu, cảng sông, cảng biển (bến cảng nước sâu) để khai thác tiềm năng vận chuyển hàng hóa và phát triển logistics. Đồng thời, phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng đường bộ và đường thủy.

Các tuyến đường tỉnh phát triển theo các trục Đông - Tây và Bắc - Nam giúp tăng cường kết nối các huyện, thành phố; đồng thời, còn phá vỡ sự chia cắt của các tuyến sông lớn, đóng vai trò là các trục giao thông chính thúc đẩy phát triển nội lực của tỉnh.

Đột phá tuyến đường mới

Điểm nhấn trong trục giao thông chính là Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh (gọi tắt là tuyến đường bộ ven biển tỉnh) đi qua 3 con sông lớn, bao gồm: sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, tạo nên tuyến vành đai KT ven biển quan trọng của tiểu vùng Đông Bắc ĐBSCL. Tuyến đường bộ ven biển tỉnh có chiều dài khoảng 53km, dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2028, tổng mức đầu tư khoảng 11.627 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức, tuyến đường bộ ven biển tỉnh được xem là nơi giao hội của các tuyến giao thông quốc gia. Cụ thể: phía Bắc kết nối với tỉnh Tiền Giang thông qua QL.50, đi Long An, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ; phía Nam nối với tỉnh Trà Vinh thông qua QL.53, QL.54 và cầu Cổ Chiên trên QL.60 hiện đang khai thác, tiếp tục đi xuống Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; phía Tây kết nối với Vĩnh Long qua QL.57 tiếp tục đi Đồng Tháp.

Đồng thời, mạng lưới đường cao tốc trục ngang dự kiến được hình thành trong giai đoạn 2025 - 2030 (bao gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu) sẽ tạo ra khu vực tứ giác Long Xuyên để kết nối giao thông với trục dọc cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Từ đó, tạo ra sức hút giao thông hướng về tuyến đường ven biển đang được đề xuất hoàn thành và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2025 - 2030.

Bến Tre là một trong 28 tỉnh ven biển Việt Nam, có vai trò kết nối vùng trung tâm của ĐBSCL ra biển. Việc đầu tư tuyến đường bộ ven biển tỉnh là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng của tỉnh mà hứa hẹn tạo nên sự đột phá lớn về phát triển KT cho tỉnh. Đây là dự án đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển KT - xã hội với khu vực KT trọng điểm ven biển Bến Tre, tạo đà chuyển dịch KT - xã hội lớn cho nhân dân tỉnh nhà. Bên cạnh đó, dự án cũng được xem là đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa cho các tỉnh trong khu vực khi việc giao dịch thương mại trở nên thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp.

Tuyến đường bộ ven biển tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với việc kết nối giao thông liên hoàn từ TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021.

kieuanh

Nguồn: Báo Đồng khởi

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)