Với nhiều cách làm sáng tạo, bài bản, tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, 2 năm trở lại đây, huyện Yên Bình đã trở thành địa phương đi đầu toàn tỉnh trong việc thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2021-2025 với các kết quả đều chiếm khoảng 25% khối lượng thực hiện toàn tỉnh.
Người dân huyện Yên Bình bê tông hóa đường giao thông nông thôn
Huyện Yên Bình cũng như nhiều địa phương trên toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III, các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được ban hành.
2 quyết định này đã thay đổi điều chỉnh, giảm các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn nên nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho đầu tư xây dựng các công trình trong giai đoạn 2021-2025 sẽ hạn chế.
Thêm vào đó, giá vật liệu cát, sỏi, đá, xi măng biến động liên tục và dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển GTNT trên địa bàn. Tuy nhiên, vượt lên trên cả những khó khăn, phong trào phát triển GTNT trên địa bàn huyện vẫn diễn ra rất sôi nổi.
Năm 2021, huyện đã kiên cố hóa được 163,52 km đường giao thông và mở mới 7,61 km đường đất. 6 tháng đầu năm nay, số kiên cố hóa là 70,36 km, mở rộng 17,6 km mặt đường bê tông xi măng, mở mới 15,62 km đường đất. Tất cả đều chiếm khoảng 25% khối lượng thực hiện toàn tỉnh, đưa huyện Yên Bình trở thành địa phương đi đầu trong công tác phát triển GTNT.
Để có được kết quả đó, ngay từ đầu mỗi năm, huyện Yên Bình đã chủ động yêu cầu các xã, thị trấn báo cáo hiện trạng các tuyến đường, đề xuất danh mục, nhu cầu, kinh phí thực hiện các công trình đường GTNT. Đồng thời, hướng dẫn nghiệp vụ cho các xã, thị trấn về thực hiện thủ tục đầu tư, thanh quyết toán các công trình thuộc Đề án Phát triển GTNT giai đoạn 2021 - 2025.
Qua đó, các địa phương có cơ sở để thống nhất về định mức, đơn giá, thuế trong xây dựng dự toán dự án làm đường GTNT theo Đề án của tỉnh đảm bảo đúng, đủ các thủ tục cấp phát, thanh toán, tạm ứng kinh phí đầu tư và thủ tục thanh quyết toán vốn.
Huyện cũng đã linh hoạt trong công tác huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn và tận dụng tối đa các nguồn lực. Từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022, huyện đã huy động hợp pháp và nhân dân đóng góp trên 86,34 tỷ đồng để thực hiện Đề án.
Ngoài ra, còn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban, ngành trong huyện, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của chủ đầu tư đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đã tạo nên bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các ngành thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tích cực tuyên truyền, động viên nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, tổ chức phối hợp giám sát hoạt động của các địa phương. UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ công chức, nhân dân, doanh nghiệp chung tay đóng góp.
Các ngành chuyên môn phối hợp tăng cường việc kiểm tra công tác triển khai tại các địa phương. Quá trình kiểm tra hiện trường đã đánh giá tình hình thực hiện, kiểm tra một số văn bản liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình, công tác thanh quyết toán, thảo luận làm rõ những tồn tại ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, huyện đã thành lập Ban Quản lý Quỹ xây dựng nông thôn mới của huyện, quan tâm hỗ trợ các thủ tục pháp lý đối với các doanh nghiệp trên địa bàn để kêu gọi ủng hộ quỹ. Hàng năm, ban chỉ đạo xây dựng GTNT từ cấp huyện đến xã đều được kiện toàn; các ban giám sát cộng đồng, ban phát triển thôn được thiết lập ở từng thôn…
Nhờ đó, khi phát động làm đường, người dân đều đồng tình hưởng ứng và tự nguyện hiến đất, ngày công lao động và kinh phí, góp phần giúp các công trình đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đề ra.
Đến hết năm 2025, huyện Yên Bình phấn đấu kiên cố hóa trên 290 km đường bê tông xi măng; mở mới, mở rộng trên 63 km đường đất với bề rộng từ 3,5 m trở lên; ưu tiên và quan tâm đầu tư bê tông hóa các tuyến đường nội đồng nhằm đưa máy móc cơ giới hóa vào sản xuất, chú trọng đầu tư vào các vùng sản xuất tập trung. Trên cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư, huyện sẽ tập trung khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.