Cây cầu Ðề Gi nằm trên tuyến đường ven biển được thông xe đúng vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay. Cây cầu như chiếc đòn gánh vững chắc vắt qua 2 bờ cửa biển, mở ra tương lai xán lạn cho các xã khu Ðông của huyện Phù Cát, Phù Mỹ (tỉnh Bình Định).
Thỏa ước mơ nghìn đời
Những ngày này, vào mỗi buổi sáng sớm và chiều mát, nhiều cụ già râu tóc bạc phơ ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) và các địa phương lân cận đổ về cây cầu Đề Gi để vừa tản bộ, vừa nhìn ngắm cây cầu cho thỏa thích. Đối với những cụ cao niên ở đây, cầu Đề Gi cùng với tuyến được ven biển được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng chính là sự kiện nghìn năm có một.
Ông Nguyễn Văn Trừ hằng ngày đạp xe ra tham quan cầu Đề Gi.
Cụ ông Nguyễn Văn Trừ (82 tuổi, ở thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành, huyện Phù Cát) chiều nào cũng đi xe đạp ra tham quan, dòm ngó cầu Đề Gi như thể đây là một báu vật mới phát hiện. Tuy tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng khi đi trên lan can cầu bước chân ông như xăng xái hơn, gặp ai ông cũng rối rít: “Quý quá, đã quá!”, “Có mơ cũng không thể nghĩ ra!”.
Ông Trừ bảo: “Xây cây cầu này là người dân ở đây đổi đời hẳn cháu ạ! Từ nay, con cá con tôm, rau củ quả của người dân vùng cồn cát này làm ra có cơ hội vươn xa đến mọi miền”. Điều mà ông Trừ cảm thấy tâm đắc nhất là nhờ giao thông thuận tiện, từ quê nhà vào Quy Nhơn chỉ mất 45 phút đi xe máy, thay cho việc phải vòng lên Quốc lộ 1 như trước đây mất hơn 2 giờ đồng hồ.
Còn bà Nguyễn Thị Mà (ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, năm nay đã ngoài 70 tuổi) phấn khởi nói: “Con gái tôi lấy chồng bên kia đầm Đề Gi thuộc thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành; tuy chỉ cách nhau vài trăm mét nhưng mỗi lần về thăm nhà nó lại phải đi đường vòng rất xa, vất vả. Nay cây cầu Đề Gi hoàn thành, tuần nào tôi cũng có thể qua thăm con, thăm cháu”.
Tôi đứng trên cầu Đề Gi, nhìn về phía Tây, nơi có cảng cá Đề Gi tấp nập ghe, thuyền ra vào để bán hải sản sau mỗi chuyến ra khơi. Tuyến đường ven biển được thi công hoàn thành như một dải lụa dài xẻ dọc những cồn cát trắng, mở toang cơ hội phát triển cho vùng đất đầy tiềm năng phát triển này.
Anh Nguyễn Ngọc Tiếp (ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; là tài xế lái xe đông lạnh thường xuyên ra - vào cảng cá Đề Gi mua hải sản) phấn khởi thổ lộ: Từ khi cầu Đề Gi và tuyến đường ven biển được thi công hoàn thành, việc vận chuyển hàng hóa của cánh lái xe thuận lợi hơn rất nhiều, thời gian cũng được rút ngắn đáng kể. “Trước đây, tôi lái xe từ Sông Cầu ra cảng Đề Gi phải mất 3 - 4 giờ đồng hồ. Bây giờ, thời gian rút ngắn chỉ còn phân nửa. Cá, mực sau khi đánh bắt đưa lên bờ là kịp thời đưa ra chợ tiêu thụ nên tươi, ngon hơn, giá cả cao hơn trước!”, anh Tiếp nói.
Đánh thức vùng đất khó
Xét ở góc độ kinh tế, khi giao thông phát triển, ranh giới hành chính giữa các địa phương chỉ còn là khái niệm. Và chính cây cầu Đề Gi, chính tuyến đường ven biển này sẽ góp phần thúc đẩy dịch vụ, đô thị, du lịch biển phát triển.
Toàn cảnh cầu Đề Gi
Ông Bùi Quốc Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết, sau khi tuyến cầu, đường ven biển được thi công hoàn thành, việc quy hoạch, phát triển không gian đô thị biển qua địa bàn các xã khu Đông của huyện (bao gồm 4 xã, thị trấn: Cát Tiến, Cát Hải, Cát Thành, Cát Khánh) đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hàng loạt đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu dọc theo không gian trục đường ven biển đã được UBND tỉnh chỉ đạo lập và phê duyệt, như đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Cát Tiến đến năm 2035; quy hoạch chung khu vực phía Nam đầm Đề Gi; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Phân khu 2 - Khu vực phía Nam đầm Đề Gi... Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho huyện Phù Cát chủ trì lập các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Phân khu 1 - Đô thị biển Cát Khánh, Phân khu 3 - Khu vực phía Nam đầm Đề Gi...
Cầu Đề Gi có chiều dài gần 400 m. Trong đó, cầu dẫn phía huyện Phù Cát gồm 3 nhịp, tổng chiều dài 118,3 m; cầu dẫn phía huyện Phù Mỹ gồm 2 nhịp, tổng chiều dài 78,3 m; cầu chính gồm 3 nhịp đúc hẫng, tổng chiều dài 200 m. Đây là cây cầu vượt biển thứ 2 tại Bình Định, được xem là công trình quan trọng và khó thi công nhất của Dự án đường ven biển.
Còn theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, sau khi tuyến đường ven biển và cầu Đề Gi hoàn thành, hàng loạt nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, đô thị, du lịch ven biển. Hiện, UBND xã đã quy hoạch và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, du lịch. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Cát Khánh nói riêng và các xã dọc tuyến đường ven biển sẽ cất cánh vươn lên mạnh mẽ hơn.
Cầu Đề Gi được thi công hoàn thành đã góp phần gỡ nút thắt tuyến giao thông liên hoàn ven biển kết nối từ TP Quy Nhơn ra đến thị xã Hoài Nhơn, hình thành tuyến đường giao thông chiến lược ven biển.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh: “Cầu Đề Gi được thi công hoàn thành đảm bảo thông suốt toàn tuyến đường ven biển từ thị xã Hoài Nhơn qua các huyện Phù Mỹ, Phù Cát đến TP Quy Nhơn. Hệ thống cầu, đường ven biển sẽ mở ra một không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định, trước hết về du lịch, đô thị, kinh tế biển, giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương ven biển, tạo “cú huých” cho phát triển kinh tế - xã hội”.