Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin là khâu đột phá để phát triển. Tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển.
Khơi thông những điểm nghẽn
Cao tốc là động lực thúc đẩy sự phát triển chung, không có cao tốc sẽ có điểm nghẽn về giao thông. Kéo theo đó là kinh tế - xã hội chậm phát triển. Với sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang triển khai thi công và tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài 40,2 km, địa phận tỉnh Tuyên Quang 11,63 km.
Sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án là 3.712,97 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương, được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 là 3.253 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 459,97 tỷ đồng.
Tuyến đường cao tốc với 4 làn xe được hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống giao thông quốc gia, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh; đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Quốc lộ 3B đoạn qua Đèo Gà (Chiêm Hóa) vừa được sửa chữa, nâng cấp
Kỳ họp bất thường của Quốc hội tổ chức mới đây đã thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó sẽ bổ sung tối đa 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số… Đường kết nối liên vùng Tuyên Quang - Hà Giang với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ sẽ được hỗ trợ từ nguồn vốn này. Đây là tuyến đường mở mới, tạo cơ hội lớn cho Tuyên Quang kết nối với tỉnh Hà Giang, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế du lịch, giao lưu nhân dân. Cùng với đó là tuyến đường Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) sẽ được đầu tư trong thời gian tới.
Hiện tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn hoàn thiện các bước, đặc biệt là kiểm kê đất đai, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng. Những năm gần đây, tỉnh quan tâm cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh; nâng cấp các tuyến đường tỉnh, xây dựng một số cầu vượt sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy để kết nối giữa các địa phương trong tỉnh. Có thể thấy, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước được đầu tư, kết nối, liên hoàn với trung tâm các tỉnh, thành phố lân cận, với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế trọng điểm, ngày càng thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong khu vực.
Người dân đồng tình hiến đất
Những tuyến giao thông là công trình đáp ứng sự mong mỏi của người dân các địa phương có đường đi qua nên các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng đồng tình ủng hộ cao chủ trương thu hồi đất để xây dựng các tuyến đường giao thông trọng điểm. Đối với hệ thống đường giao thông nông thôn cũng vậy, việc triển khai Nghị quyết số 55-NQ/HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh về thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao của người dân. Từ đó tạo thành phong trào tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành bê tông hóa 218,3 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 38/38 cầu trên đường giao thông nông thôn và trong năm 2022 tiếp tục triển khai xây dựng 39 cầu theo tiến độ dự án.
Đồng chí Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, những kết quả đạt được trong lĩnh vực giao thông trong hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là rất tích cực, có sự đồng thuận cao, sự tham gia thực hiện của các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng để thực hiện khát vọng xây dựng tỉnh trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Để thực hiện mục tiêu đó, ngành giao thông - vận tải xác định thời gian tới tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh trong lĩnh vực giao thông vận tải với quyết tâm cao, với phương châm giao thông phải đi trước một bước, tạo động lực quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Ma Đình Sắc, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông được đẩy mạnh. Trong quá trình vận động thực hiện, khâu dễ làm trước, khó làm sau, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đã tạo sự hưởng ứng, đồng thuận cao của người dân, theo đó từ năm 2015 đến nay, người dân trong xã đã hiến hơn 25.000 m2 đất để mở mới, mở rộng nền đường, làm cầu.
Gia đình bà Ma Thị Giáp là một trong những hộ dân tại xóm Nà Tạo, thôn Nặm Kép, là hộ đi đầu trong phong trào chặt cây cối, hiến đất làm đường giao thông thôn, làm cầu dân sinh của thôn chia sẻ: “Cả xóm hiến đất làm đường. Riêng gia đình tôi ngoài việc chặt cây cối hoa màu trên đất còn hiến 500 m2 đất làm đường dẫn lên cầu”.
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh theo phương châm giao thông phải đi trước một bước, hệ thống đường giao thông từ thành thị đến nông thôn đang dần được đầu tư đồng bộ. Với quyết tâm tạo mối liên kết liên hoàn trong các tuyến giao thông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh luôn nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông, tạo động lực phát triển.