An Giang: Huy động tốt nguồn lực ngoài xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT ở Bình Thành

Thứ ba, 13/09/2022 16:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cùng với nguồn vốn nhà nước, xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) huy động tốt nguồn lực ngoài xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Cách làm này không chỉ giúp địa phương từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn, mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Phát huy sức mạnh “Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Từ khi được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao đến nay, KTXH trên địa bàn phát triển ổn định. Xác định thế mạnh sản xuất nông nghiệp, xã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế.

Đồng thời, thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã đạt trên 64 triệu đồng/người/năm.

Địa hình nhiều kênh rạch, huyện Thoại Sơn nói chung và xã Bình Thành nói riêng luôn nỗ lực xây dựng hệ thống giao thông nông thôn thông suốt. Đến với Bình Thành ngày nay, dễ dàng nhận ra, đường xã, đường trung tâm xã đến huyện hay các đường trục ấp, đường liên ấp đều được nhựa hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thành Lê Hồng Dân cho biết: “Tham gia xã hội hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2016-2020, nhân dân đóng góp tiền của, ngày công xây dựng 14 cây cầu bê-tông; mở rộng 27,3km đường giao thông (từ 2m lên 3,5m và từ 3,5m lên 5,5m)”.

Ông Lê Hồng Dân lý giải, có sự đồng thuận cao của người dân trong hoạt động xã hội hóa cầu, đường, chính là nhờ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Đồng thời, tổ chức họp dân thông báo cụ thể hình thức đóng góp, từ đó, nhân dân hiểu rõ và tự giác tham gia. Cùng với đó, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên luôn được quán triệt mọi lúc, mọi nơi. Bởi, đảng viên gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng thì mới lôi cuốn được nhân dân thực hiện.

Xác định phát triển giao thông nông thôn là “chìa khóa” để phát triển KTXH, cùng với nguồn vốn đầu tư của nhà nước, chính quyền địa phương tranh thủ sự ủng hộ của người dân, nhà hảo tâm gần xa. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn của xã từng bước hoàn chỉnh, góp phần xây dựng NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu. Với phương châm “Ai có công góp công, ai có của góp của, không phân biệt ít nhiều”, địa phương huy động mọi nguồn lực tham gia. Trong đó, UBND xã đóng vai trò kết nối nhà hảo tâm đóng góp tiền của, ngày công lao động.

Tiếp tục duy trì và nâng chất tiêu chí NTM nâng cao, từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương xây dựng 2 cây cầu. Đó là cầu Hy Vọng 149, kết nối xã Bình Thành và xã Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ), kinh phí xây dựng 523 triệu đồng. Trong đó, Quỹ Hy vọng hỗ trợ 100 triệu đồng, phần còn lại do 2 địa phương vận động nhân dân đóng góp. Cầu Hy Vọng 129 bắc ngang kênh 1200 thuộc ấp Bình Thành, kinh phí 456 triệu đồng, cũng từ nguồn xã hội hóa.

Tháng 6/2022, UBND xã Bình Thành tổ chức lễ khởi công cầu Phổ Hiền 5 (cầu 2400 - Bình Thành), kết cấu bê-tông cốt thép, dài 25m, ngang 4m, tổng kinh phí xây dựng hơn 500 triệu đồng. Trong đó, Đạo tràng Phổ Hiền kết nối nhà hảo tâm, cùng phật tử hỗ trợ 300 triệu đồng. Dự kiến, tháng 9/2022, cầu sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

“Gia đình tôi hiểu mục đích của các phong trào do địa phương phát động là nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Vì vậy, khi địa phương phát động xây dựng cầu đường, tôi rất sẵn lòng đóng góp. Tùy vào khả năng, mỗi năm tôi đóng góp từ 70-100 triệu đồng. Nhìn sự đổi thay của Bình Thành hôm nay, tôi rất tự hào. Trong điều kiện của mình, tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” - ông Trần Minh Điền (sinh năm 1957, ngụ ấp Bình Thành) chia sẻ.

Dù tuổi cao, nhưng hễ đoạn đường nào xuất hiện “ổ gà”, làm ảnh hưởng việc đi lại của bà con là ông Chung Văn Mạnh (sinh năm 1952, ngụ ấp Bình Thành) sẵn sàng bỏ từ 1-3 ngày công/tuần, cùng anh em dặm vá lại. Với suy nghĩ chất phác, ông Mạnh cho biết: “Mình bỏ ít thời gian, công sức sửa chữa, dặm vá cầu đường hư hỏng để tạo điều kiện cho bà con đi lại dễ dàng. Nhất là mấy cháu học sinh, đến trường nhanh và thuận lợi hơn. Tất cả việc làm này đều do tôi tự nguyện đóng góp, mong muốn góp chút sức nhỏ cho sự phát triển của địa phương”. Tuy cho rằng “đóng góp chẳng là bao”, nhưng những tấm bằng khen, giấy khen “Tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM”, “Nhiều đóng góp trong công tác xã hội hóa giáo dục” của ông đã khẳng định sự nhiệt huyết, tận tâm dành cho quê hương.

Tin rằng, với sự nỗ lực này, địa phương sẽ bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Thoại Sơn.

kieuanh

Nguồn: Báo An Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)