Được kỳ vọng là nút giao lớn nhất tỉnh, động lực quan trọng mở mang dư địa đất đai khu vực phía Tây của tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ nút giao Đầm Nhà Mạc hiện đang triển khai rất chậm.
Dự án được gia hạn từ tháng 7/2022, hoàn thành vào tháng 12/2022, song khối lượng các hạng mục đến nay mới đạt 50%. Như vậy, chỉ còn hơn 3 tháng để các nhà thầu triển khai 50% hạng mục còn lại.
Công trường thi công nút giao Đầm Nhà Mạc.
Với mục tiêu tạo kết nối mới cho không gian phía Tây, tháng 9/2020, Quảng Ninh đã khởi công đầu tư nút giao Đầm Nhà Mạc. Nút giao được thiết kế khác mức liên thông dạng hoa thị hoàn chỉnh quy mô công trình cấp II, dự án nhóm B với 8 nhánh rẽ có tổng chiều dài 8,095km, tổng mức đầu tư hơn 760 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, được triển khai trên diện tích 83,4ha. Đây cũng là điểm nối dự án đường ven sông Quảng Yên - Đông Triều với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại Km20+050, phạm vi chiều dài bám cao tốc là 1,57km.
Công trình Nút giao bao gồm các hạng mục: Mở rộng nền, mặt đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tạo làn tách, nhập rộng 8,25m; các tuyến nhánh nối với đường ven sông (nhánh 5.1 và 5.2) thiết kế theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe, chiều rộng nền đường 46,5m; các tuyến nhánh còn lại thiết kế 2 làn đường có chiều rộng 11,75m; cải tạo hầm chui cao tốc; thi công hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng và ATGT.
Đến nay tròn 2 năm thi công, dự án mới đạt 50% khối lượng các hạng mục. Cụ thể, đã hoàn thành mở rộng hầm chui tại Km20+50, thi công xong cọc xi măng đất, đóng cọc thự và nén tĩnh thí nghiệm cọc cống hộp 2x4x6. Hạng mục đắp cát hạt mịn và bấc thấm đạt 82%, đắp nền đường (cát+đất) đạt 65,67%.
Theo đánh giá tiến độ từ chủ đầu tư, với tổng khối lượng các phần việc như hiện nay, dự án đang chậm tiến độ so với kế hoạch khoảng 12 tháng. Nguyên nhân do quá trình tổ chức thi công đã gặp nhiều khó khăn, như: Nút giao Đầm Nhà Mạc được triển khai trên diện tích 83,4ha, song 80% diện tích dự án thi công trên hệ rừng ngập mặn, đầm của người dân địa phương. Việc chờ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại các tuyến nhánh kéo dài, đến ngày 13/2/2022 nhà thầu mới có đủ mặt bằng để thi công.
Bên cạnh đó, mặt bằng phần cạp mở rộng cao tốc vướng đường dây cáp ngầm trung thế 22kV cấp điện cho trạm thu phí cầu Bạch Đằng đã gây trở ngại thi công cọc xi măng đất. Tình trạng người dân cản trở, do một số vị trí mặt bằng nuôi trồng thủy sản chưa giải quyết dứt điểm, ngày 26/3/2022, các hộ dân mới đồng ý cho tổ chức thi công... Điều này đã khiến kể từ thời điểm khởi công vào tháng 9/2020 đến giai đoạn đầu năm 2022, nhà thầu chỉ có thể tập trung thi công các hạng mục tại vị trí 20% mặt bằng đã có.
Ông Nguyễn Thiên Hiếu, Chỉ huy trưởng công trường, cho biết: Bên cạnh khó khăn do thiếu diện mặt bằng, dự án đã gặp phải khó khăn do thiếu nguồn vật liệu đất đắp. Vị trí mỏ đất được bố trí cho dự án tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên hiện nay đang cung cấp cho rất nhiều dự án khác cùng lúc, nên khả năng cung ứng cho nút giao Đầm Nhà Mạc rất hạn chế. Đặc biệt trong đó, vị trí mỏ đất Bắc Sơn tại TP Uông Bí đã khai thác hết tầng phủ, còn lại hàm lượng đá quá lớn không phù hợp cho việc đắp nền đường. Điều này khiến các xe vận chuyển về công trình phải chọn lọc bằng máy kết hợp thủ công mất rất nhiều thời gian và lãng phí. Hiện nguồn vật liệu đất đắp K98 vẫn chưa được bố trí, tiếp tục gây khó khăn trong công tác thi công nền đường của dự án.
Được biết, cả 8 nhánh nút giao Đầm Nhà Mạc đều nằm trên vị trí nền đất yếu, có chỗ bùn dày đến trên 20m. Để xử lý, biện pháp thi công được lựa chọn là sẽ áp dụng cọc cát, bấc thấm, gia tải chờ lún. Tuy nhiên, thời gian chờ lún theo tính toán của đơn vị tư vấn kéo dài từ 8-10 tháng, song đến nay, cũng do thiếu đất, vì thế cao trình đắp đất gia tải xử lý lún hiện chưa đạt, dẫn đến tốc độ tắt lún có thể kéo dài, không ổn định. Như vậy, nếu hoàn thiện đắp xong toàn bộ phần đắp nền đường và gia tải để thực hiện quy trình chờ lún theo hình thức cuốn chiếu, thì phải đến tháng 4/2023 dự án mới có thể tiến hành dỡ tải để thi công các hạng mục tiếp theo như cấp phối đá dăm, trải thảm nhựa và hoàn thiện mặt đường...
Như vậy, để công trình sớm hoàn thành, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, phát huy hiệu quả sau đầu tư... rất cần sự quan tâm của các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn trong giám sát, tháo gỡ khó khăn dự án đang gặp phải, nhất là nguồn vật liệu đất đắp. Đồng thời, nhà thầu cần chủ động tìm giải pháp gỡ khó, báo cáo kịp thời với chủ đầu tư, lập biểu đồ tiến độ cụ thể cho từng hạng mục, từng giai đoạn để thi công đồng loạt khi những khó khăn được tháo gỡ.