Diện mạo đô thị phía Đông Hà Nội đã “thay da, đổi thịt” từng ngày nhờ hạ tầng giao thông không ngừng được hoàn thiện. Khi có thêm sự hiện diện của các tuyến đường vành đai trong thời gian tới, khu vực sẽ càng phát triển mạnh mẽ.
Mạng lưới giao thông ở phía Đông ngày càng đồng bộ
Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội sẽ bố trí nguồn vốn hơn 83 nghìn tỷ đồng để thực hiện 255 dự án giao thông. Trong đó, sẽ ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện 5/7 tuyến vành đai theo quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông Thủ đô. Trong đó, 3 tuyến chính (gồm tuyến 1; 2; 3) và 2 tuyến hỗ trợ (gồm 2,5 và 3,5) sẽ đạt khoảng 86% khối lượng, tức hoàn thành 154 km/179 km theo quy hoạch vào năm 2025.
Hạ tầng giao thông là “đòn bẩy” giúp làm nên “kỳ tích sông Hồng” ở phía Đông Hà Nội
Trong số này, đường vành đai 3,5 dài hơn 45 km, tổng mức vốn đầu tư khoảng 19.000 tỉ đồng sẽ đạt tỉ lệ hoàn thiện tương ứng với khoảng 88%, tức là 40,1 km/45,6 km. Không chỉ giới hạn trong thành phố Hà Nội, tuyến đường này còn đấu nối với hợp phần được tỉnh Hưng Yên triển khai, dự kiến điểm đầu là vị trí làm cầu Ngọc Hồi - cao tốc Pháp Vân kéo dài tới Quốc lộ 5. Tuyến đường này đi qua các huyện Văn Giang, Văn Lâm của địa phương này, được đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng.
Đặc biệt, công trình trọng điểm quốc gia là đường vành đai 4 đã được Quốc hội thông qua mức kinh phí lên tới hơn 85 nghìn tỉ đồng dự kiến sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng để khởi công vào tháng 6/2024. Dự án có tổng chiều dài hơn 112 km, không chỉ tăng cường tính kết nối trong Vùng thủ đô với Hưng Yên, Bắc Ninh mà còn mở rộng ra cả vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ khi có 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Đường vành đai 3,5 và 4 được kỳ vọng tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Thủ đô nói chung. Trong đó, phía Đông Hà Nội sẽ có thêm xung lực mạnh mẽ để bứt phá khi khả năng kết nối với các khu vực khác ngày càng đa dạng, cả vào trung tâm nội đô và đi các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt là theo hướng sang Hưng Yên, tới đây, địa phương này sẽ xây dựng thêm tuyến đường rộng 70m dọc sông Hồng giao cắt với cả 2 tuyến đường huyết mạch.
Trong khi chờ đợi 2 “siêu dự án” hòa vào mạng lưới giao thông, khu vực phía Đông đã sở hữu hệ thống hạ tầng đồng bộ bậc nhất Hà Nội. Kể từ ngày thành phố mở rộng nội đô sang phía “bên kia sông Hồng” năm 2003, hàng loạt công trình trọng điểm tại đây đã hoàn thành, điển hình là các cây cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Đông Trù, Nhật Tân; các tuyến đường trọng điểm như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nút giao Cổ Linh… giúp việc ra vào thành phố ngày càng dễ dàng.
Thời điểm này, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành hợp long các nhịp chính và có thể khai thác, sử dụng trong quý 3 năm sau. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đang thúc tiến độ xây dựng cầu Trần Hưng Đạo để kịp hoàn thành vào quý 2/2025.
Cơ hội bứt phá trở thành trung tâm mới của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ
Mục đích xây dựng các tuyến đường vành đai là để kiến tạo những “tọa độ” phát triển mới cho thủ đô. Trong đó, phía Đông được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm mới không chỉ của vùng thủ đô mà còn là tâm điểm của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Với vị trí nằm ở điểm đầu kết nối vùng Thủ đô với tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phía Đông không những được quy hoạch để trở thành tâm điểm giao thương, trung tâm logistic (giao vận) mà còn là trung tâm công nghệ mới của Thủ đô. Với hạ tầng được đầu tư đồng bộ và bài bản bậc nhất tại Thủ đô, khu vực phía Đông cũng thuận tiện kết nối tới các khu công nghiệp trọng điểm miền Bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam… Không chỉ mang đến tiềm năng phát triển vượt bậc cho cả khu vực, phía Đông Thủ đô cũng là điểm đến thu hút hàng vạn chuyên gia, nhân sự cao cấp chọn làm nơi an cư nhờ vị trí kết nối thuận tiện tới các khu công nghiệp lớn.
Trên thực tế, mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ đã giúp khu vực này “thức giấc” trong thời gian qua, tạo ra làn sóng “Đông tiến” ngày càng mạnh mẽ của của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các nhà phát triển bất động sản. Đóng vai trò tiên phong chính là các nhà phát triển bất động sản đã giúp định hình ngày càng rõ nét diện mạo của “thành phố mới phía Đông”, với các hoạt động giao thương, kinh tế sôi động.
Sự phát triển mạnh mẽ của phía Đông, đặc biệt là hạ tầng kết nối đã thu hẹp khoảng cách phát triển ở 2 bên bờ sông Hồng và kích thích cuộc dịch chuyển khỏi khu vực nội đô cũ chật chội lớn nhất trong lịch sử. Theo tính toán, dân số 4 quận trung tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng hiện đã vượt quá quy hoạch, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng. Từ nay tới năm 2030, chính quyền thành phố đang có kế hoạch chuyển cư khoảng 500 nghìn người ra khỏi khu vực này. Là một trong những nguồn cung nhà ở chủ yếu của thủ đô, các dự án ở phía Đông đang là điểm đến được nhắm tới.
Bên cạnh đó, các tuyến đường vành đai và cao tốc đã hiện hữu hoặc sớm hoàn thiện trong tương lai gần sẽ giúp phía Đông bứt tốc trên hành trình trở thành trung tâm mới không chỉ của vùng Thủ đô mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.