Cùng với việc thông xe hầm chui Lê Văn Lương, Hà Nội dự kiến sẽ khởi công nhiều dự án trọng điểm, kỳ vọng giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố.
Hầm chui 700 tỷ xóa ngay điểm đen ùn tắc
Có mặt trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương đúng trong khung giờ cao điểm từ 7h40 - 8h10 ngày 6/10 - một ngày sau khi thông xe hầm chui trị giá gần 700 tỷ đồng tại đây, ghi nhận của PV cho thấy, tình hình giao thông đã giảm nhiệt hơn so với ngày đầu.
Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 là một trong những dự án trọng điểm,
có ý nghĩa quan trọng cho giao thông Thủ đô
Trên đường Tố Hữu đoạn từ ngã ba Lương Thế Vinh kéo dài đến điểm đầu khu vực hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 trước đây là điểm đen ùn tắc kéo dài, nhất là giờ cao điểm, tình hình được cải thiện rất nhiều.
Thời điểm 7h50, dù giờ cao điểm, các phương tiện vẫn thoải mái di chuyển xuống hầm chui và ở hai bên chiều đường bên cạnh.
Tại đoạn cuối hầm chui hướng đi Lê Văn Lương vào trung tâm thành phố, tình trạng ùn tắc ngay sau lễ thông xe đã diễn ra.
Song, vào giờ cao điểm sau đó đã được cải thiện. Dòng phương tiện sau khi từ hầm chui lên đường Lê Văn Lương chỉ bị ùn lại khoảng 3 - 5 phút do chờ đèn tín hiệu tại ngã tư, sau đó lại lưu thông bình thường.
Tại các ngã tư trên tuyến đường, lực lượng CSGT, TTGT được bố trí để phân luồng, hướng dẫn cho các phương tiện di chuyển.
Một cán bộ CSGT thuộc Đội CSGT số 7 thực hiện phân luồng trên tuyến đường Lê Văn Lương cho hay: “Giao thông giờ cao điểm ở đây đã thông thoáng hơn nhiều. Thời điểm trước đó ùn tắc kéo dài từ bên đầu đường Tố Hữu kéo dài khoảng 2km tới khu vực cầu vượt”.
Khởi công hàng loạt công trình
Theo ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, ngay sau thông xe hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, Hà Nội tiếp tục khởi công nhiều công trình trọng điểm khác, mục tiêu đáp ứng nhu cầu giao thông, chống ùn tắc.
“Ngày 6/10 vừa qua chúng tôi đã khởi công hầm chui nút giao Vành đai 2.5 - Giải Phóng. Dự án có tổng giá trị phê duyệt gần 780 tỷ đồng từ nguồn từ ngân sách TP Hà Nội. Thời gian thi công trong giai đoạn 2022 - 2025. Công trình có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài khoảng 780m, trong đó phần hầm kín dài 140m và hầm hở dài 320m. Vị trí xây hầm ở ngã ba Giải Phóng - Kim Đồng”, ông Cường cho hay.
Ông Cường khẳng định, khi hầm chui Kim Đồng và đoạn tuyến Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) - Vành đai 3 hoàn thành, toàn bộ vùng đệm cho cửa ngõ phía Nam thành phố sẽ hình thành mạng lưới giao thông ô bàn cờ, giải quyết hầu như toàn bộ tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.
Trong ngày 7/10, Hà Nội tiếp tục khởi công Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội.
Tháng 11 tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục khởi công dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và Trung ương hỗ trợ, thực hiện giai đoạn 2022 - 2027.
Đoạn đường dài 21,7km, điểm đầu tại địa phận Ba La, quận Hà Đông, điểm cuối tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, mặt cắt ngang 50 - 60m.