Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối tỉnh với các vùng, khu vực và thế giới sẽ là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Bà Rịa -Vũng Tàu trong nhiệm kỳ 2022-2025.
Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng hiện đại
và kết nối thuận lợi với các địa phương trong khu vực. (Ảnh: TTXVN)
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trình Đại hội đại biểu lần thứ 7, nhiệm kỳ 2020-2025, đã chỉ rõ: “Hệ thống hạ tầng kết nối cụm cảng Cái Mép-Thị Vải với các địa phương, khu công nghiệp trong khu vực, việc nạo vét luồng lạch, dịch vụ hậu cần cảng chậm đầu tư, phát triển chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư hạ tầng hạn chế”. Đồng thời, trong 3 khâu đột phá được Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định trong nhiệm kỳ mới, thì khâu đột phá đầu tiên là: “Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới”. Điều đó cho thấy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định phát triển giao thông là nhiệm vụ sống còn của địa phương để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bứt phá.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện những bất cập về kết nối giao thông đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong thời gian tới, tỉnh này sẽ tập trung vào việc phát triển hệ thống giao thông kết nối nội vùng, đồng thời sẽ cùng các địa phương đẩy nhanh việc triển khai các dự án trọng điểm, kết nối liên vùng, nhằm phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của Bà Rịa-Vũng Tàu, để Bà Rịa-Vũng Tàu tự tin, vũng vàng trở thành một cực tăng trưởng của cả nước.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiệm vụ quan trọng của ngành giao thông địa phương hiện nay là tập trung khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, trong đó có nhánh kết nối xuống cụm cảng. Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là dự án trọng điểm để giảm tải cho quốc lộ 51. Tiếp đến là khởi công xây dựng cầu Phước An kết nối cụm cảng Cái Mép-Thị Vải với cao tốc Bến Lức-Long Thành. Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nạo vét luồng Cái Mép -Thị Vải đạt (-) 15,5m để đảm bảo tàu trọng tải lớn ra vào; kiến nghị Chính phủ bổ sung, cơ cấu nguồn vốn đầu tư hệ thống đường sắt Biên Hòa -Vũng Tàu nhằm tạo thêm một phương thức vận tải mới kết nối với hệ thống cảng…
Được biết, trong những năm qua, hệ thống giao thông của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, các tuyến giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với Quốc lộ 51 đã được triển khai đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có 1.613km giao thông đường bộ bao gồm: 3 tuyến Quốc lộ 51, 55, 56 với tổng chiều dài 129km, 306km tỉnh lộ, 473km huyện lộ, 661km đường đô thị và 44km đường chuyên dụng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư mới, cải tạo nâng cấp 413km đường bộ.
Có thể thấy, 5 năm trở lại đây, hệ thống giao thông của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được đầu tư đồng bộ, nhiều tuyến đường đi vào hoạt động đã phát huy vai trò là sức bật cho nền kinh tế của địa phương, đó là tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đây là tuyến đường khai thác hệ thống cảng biển và các khu công nghiệp dọc sông Cái Mép-Thị Vải; tuyến đường cao tốc liên vùng phía Nam, đường liên cảng được cho là giảm tải cho quốc lộ 51 tạo nên trục đường liên thông nối hệ thống cảng biển nhóm 5; đường Phước Hòa - Cái Mép, là một trong những dự án giao thông quan trọng kết nối nội vùng phục vụ hành lang kinh tế Phú Mỹ - Cái Mép - Long Sơn - Vũng Tàu, kết nối Quốc lộ 51 với đường liên cảng, được thiết kế 6 làn xe; đường 991B nối Quốc lộ 51 từ nút giao Hội Bài - Tóc Tiên với đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải phục vụ vận chuyển hàng hóa cho các cảng biển ở khu vực Cái Mép-Thị Vải, trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp và nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài những tuyến đường trên, Quốc lộ 56 tuyến tránh TP.Bà Rịa cũng rút ngắn cung đường vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp và hệ thống cảng biển Cái Mép- Thị Vải ra quốc lộ 1 đi các khu vực khác.
Hiện tỉnh cũng đã đưa vào khai thác 50 cảng với tổng chiều dài cầu cảng hơn 17 km, công suất 180 triệu tấn/năm. Riêng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải có 24 dự án cảng đi vào hoạt động với tổng chiều dài cầu bến gần 11km với tổng công suất thiết kế 129 triệu tấn/năm, trong đó, có 8 cảng container công suất 8,3 triệu TEU/năm.
Cái Mép-Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có thể tiếp nhận được tàu container lớn nhất thế giới tải trọng lên tới hơn 200.000 DWT và là 1 trong 20 cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng và hiện nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, tỉnh đã đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 với 3 đột phá chiến lược, trong đó, đề nghị đầu tư cụm cảng Cái Mép-Thị Vải trở thành Khu thương mại tự do với 3 chức năng: Cảng nước sâu trung chuyển quốc tế-Logistics-Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao của cả vùng Đông Nam bộ.
Dự kiến đến 2025, sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1, đi vào hoạt động, đồng thời, tuyến đường sắt Biên Hòa-Cái Mép đang được khẩn trương các bước triển khai xây dựng, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 5 phương thức vận tải: đường biển, đường thủy, đường bộ, đường không và đường sắt, trở thành địa phương có hệ thống vận tải đa phương thức là lợi thế ít tỉnh nào trong cả nước có được.
Song song đó, tỉnh tiếp tục các giải pháp để tăng sản lượng hàng hóa bằng tàu biển thông qua hệ thống cảng với tăng trưởng bình quân từ 10-15%/năm; trong đó, hàng container tăng trưởng bình quân 20%/năm, tăng hiệu suất khai thác cảng lên từ 65% đến 70% vào năm 2025./…