Dự báo những tháng cuối năm 2022, nhất là trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, vận chuyển hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao. Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT), tạo thuận lợi cho người dân lựa chọn đi lại bằng xe ô tô, Sở GTVT, các sở, ngành, các đơn vị có liên quan đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý vận tải hành khách.
Bến xe khách phía Bắc TP Thanh Hóa
Theo báo cáo của Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 817 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và xe hợp đồng, với 4.438 phương tiện; trong đó, 65 đơn vị vận tải khách theo tuyến cố định, với 663 xe; 5 đơn vị vận tải khách bằng xe buýt, với 188 xe; 9 đơn vị vận tải khách bằng xe taxi, với 1.787 xe; 738 đơn vị vận tải khách hợp đồng với 1.800 xe. Ngoài ra, còn có hàng trăm xe kinh doanh vận tải khách tuyến cố định, hợp đồng của các đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố khác hoạt động đón, trả khách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT đã theo dõi sát diễn biến của dịch COVID-19, tham mưu, hướng dẫn kịp thời đối với hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô bảo đảm thích ứng, linh hoạt, an toàn; đồng thời, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn. Trong đó, Sở GTVT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách tăng cường công tác quản lý, điều hành đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của đơn vị. Thực hiện nghiêm phương án khai thác tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, nghiêm cấm bỏ chuyến, bỏ lốt, ký hợp đồng ra, vào bến xe ở hai đầu tuyến theo quy định, thực hiện đúng quy định về việc ghi chép, quản lý và sử dụng, lưu trữ lệnh vận chuyển, cung cấp nội dung trên lệnh vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT...
Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch kiểm tra xe hợp đồng, xe đưa đón công nhân, học sinh, xe vận chuyển người nội bộ, xe vận tải khách tuyến cố định đón trả khách không đúng nơi quy định, thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận, xe dù lôi kéo, đón trả khách tại các điểm dừng, đỗ của xe buýt, xử lý nghiêm theo quy định đối với trường hợp vi phạm...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên chất lượng dịch vụ hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh ngày được nâng cao, các loại hình vận tải khách được phát triển, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, quy định về kinh doanh vận tải khách của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được nâng cao, qua đó góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. 10 tháng năm 2022, vận chuyển khách trên địa bàn tỉnh đạt 21,6 triệu lượt hành khách, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Ông Lê Đình Lịch, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Khai thác bến xe Thanh Hóa, cho biết: Hiện công ty đang quản lý 7 bến xe ô tô khách; trong đó, 3 bến xe tại TP Thanh Hóa, 1 bến xe tại TP Sầm Sơn, 1 bến xe tại thị xã Bỉm Sơn, 1 bến xe tại thị xã Nghi Sơn và 1 bến xe tại huyện Nga Sơn. Các bến xe được đầu tư xây dựng bảo đảm tạo thuận lợi cho Nhân dân lựa chọn đi lại bằng xe ô tô. Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, số lượng xe ô tô vận chuyển khách vào các bến tuy có tăng và hoạt động khá ổn định, tuy nhiên, số xe bỏ ra ngoài hoạt động, không tham gia đón, trả khách trong các bến vẫn còn nhiều.
Để bảo đảm trật tự, ATGT, đi lại thuận lợi cho người dân, công ty đã và đang chỉ đạo các bến thực hiện đúng quy định về vận tải khách, thực hiện việc kê khai và niêm yết giá vé đúng quy định, tân trang, tu sửa phòng chờ, sân bãi, bảo đảm tốt hệ thống thông tin, bảng thông báo luồng tuyến, chuyến lượt, giờ xe chạy, giá vé, hệ thống đèn chiếu sáng, khu vệ sinh, y tế tại các bến xe. Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an, thanh tra Sở GTVT bảo đảm an ninh trật tự tại bến xe, kiểm tra điều kiện hoạt động của xe ô tô chở khách bảo đảm an toàn trước khi xuất bến, thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý vận tải hành khách những tháng cuối nămXe ô tô khách hoạt động trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Xuân Hùng
Ông Vũ Minh Thuận, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT, cho biết: Để bảo đảm trật tự, ATGT, tránh ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân những tháng cuối năm 2022, nhất là trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở GTVT tiếp tục tiến hành đối thoại với các đơn vị kinh doanh vận tải, Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận chuyển khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu các giải pháp hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vượt qua khó khăn, khôi phục lại các tuyến vận tải công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Bên cạnh đó, Sở GTVT yêu cầu các doanh nghiệp quản lý và khai thác bến xe, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh thực hiện lập kế hoạch bố trí phương tiện, kế hoạch tăng cường, bổ sung hoặc điều chuyển phương tiện nhằm phục vụ vận chuyển khách trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Đồng thời, tuyên truyền nhằm nâng cao đạo đức lái xe, chấp hành nghiêm quy định về vận tải khách, thực hiện việc kê khai và niêm yết giá vé đúng quy định, tân trang, tu sửa phòng chờ, sân bãi, bảo đảm tốt hệ thống thông tin, bảng thông báo luồng tuyến, chuyến lượt, giờ xe chạy, giá vé, hệ thống đèn chiếu sáng, khu vệ sinh, y tế tại các bến xe. Các đơn vị quản lý, kinh doanh bến xe tổ chức phân công lao động hợp lý, bố trí thêm các điểm bán vé phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân bảo đảm an toàn, thuận tiện.
Đi đôi với đó, Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở, Phòng Quản lý vận tải phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan tổ chức phân luồng, bảo đảm giao thông, chống ùn tắc giao thông, nhất là tại khu vực thành phố, thị xã, trên các tuyến đường trọng điểm tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn; trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, đường Hồ Chí Minh...
Đồng thời, xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, lái xe vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ và các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán vé theo giá niêm yết, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nâng ép giá vé, chở quá số người theo quy định. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát các phương tiện xe ô tô chở khách thông qua thiết bị giám sát hành trình, xử lý nghiêm theo quy định đối với những phương tiện chạy sai lộ trình tuyến được cấp và đậu đỗ, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định. Triển khai thực hiện đề án phát triển và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.