Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định quy phạm pháp luật số 36/2022/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ảnh minh họa
Theo đó, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường huyện trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện Quyết định này; quản lý cao độ (cos) của hệ thống đường bộ đảm bảo tuân thủ các quy hoạch được phê duyệt hoặc phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Giao thông vận tải và các quy định pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường huyện trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định pháp luật.
Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền.
Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài chính Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các sở, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường huyện trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố, thị xã: Triển khai, thực hiện Quyết định này trên địa bàn phụ trách; Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn huyện quản lý; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục Nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; Xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ; Phối hợp với Đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra đường bộ xử lý theo thẩm quyền các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, các hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ; Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm; thực hiện cưỡng chế dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép để giải tỏa hành lang an toàn đường bộ; Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
UBND các xã, phường, thị trấn: Quản lý việc sử dụng phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ; Phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ bao gồm cả việc giữ gìn các cột mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng của dự án.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/11/2022 và thay thế Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 09/4/2018 của UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quy định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Bãi bỏ Điều 5 Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND ngày 03/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số Danh mục số hiệu đường bộ, Quy định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, đường huyện ban hành kèm theo Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang.