Đồng Nai vừa phân luồng giao thông lại giao thông, đóng một đoạn Hương lộ 10 qua khu vực công trường sân bay Long Thành để đảm bảo thi công.
Ngày 16/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, đã chính thức đóng một đoạn Hương lộ 10 trong phạm vi thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đảm bảo an toàn thi công.
Một đoạn Hương lộ 10 qua khu vực thi công sân bay
chính thức bị đóng đường để đảm bảo an toàn thi công
Theo đó, đoạn đường bị đóng bắt đầu từ khu vực phía dưới hầm chui đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến ngã ba rẽ vào xã Suối Trầu cũ. Từ ngày 15/11 sẽ không cho bất kỳ phương tiện giao thông nào lưu thông ngoài các thiết bị, phương tiện phục vụ thi công dự án sân bay.
Các phương tiện khi qua đây sẽ lưu thông từ hướng trung tâm huyện Cẩm Mỹ về huyện Long Thành, khi đến ngã ba giao với hương lộ 10 mới thì rẽ phải để ra tỉnh lộ 769 tiếp tục lưu thông.
Phương tiện lưu thông trên tỉnh lộ 769 theo hướng từ QL56 về huyện Cẩm Mỹ, không được rẽ vào hầm chui đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để vào hương lộ 10 như trước (đi qua một khu vực đang thi công sân bay - PV). Đến đây các loại xe tiếp tục đi trên tỉnh lộ 769 đến ngã ba giao với hương lộ 10 mới thì rẽ phải vào.
"Trên công trường thi công sân bay đang tập trung rất nhiều phương tiện xe cơ giới thi công nên xe cộ người dân đi lại trong phạm vi công trường rất nguy hiểm. Việc đóng tuyến là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra", ông Bôn cho hay.
Liên quan đến công tác bàn giao mặt bằng, đến nay Đồng Nai đã hoàn thành trên 95% khối lượng công tác giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành và hiện công tác này vẫn tiếp tục diễn ra, tuy nhiên gặp một số vướng mắc.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đến đầu tháng 11/2022, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng đạt hơn 95%. Tuy nhiên trong phạm vi dự án còn khoảng 100 hộ dân vẫn còn sinh sống trong phạm vi cần giải tỏa mặt bằng.
Theo tìm hiểu của PV hiện công tác bàn giao mặt bằng phần diện tích còn lại còn gặp vướng mắc liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất cụ thể để tính toán bồi thường.
Trong đó kiểm toán Nhà nước đề nghị điều chỉnh một số nội dung quan trọng như hỗ trợ dạy nghề, giá trị bồi thường các công trình gắn liền với đất, thẩm định lại giá đất...
Vừa qua tại buổi làm việc với đoàn công tác Quốc hội, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong quá trình giải phóng mặt bằng, người dân có đất bị thu hồi cơ bản đồng thuận chủ trương thu hồi đất, không xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp.
Trong quá trình xây dựng khung chính sách, UBND tỉnh đã nhiều lần thuyết minh và được các Bộ, ngành thống nhất. Địa phương cũng chỉ đang vận dụng chính sách có lợi cho dân và đã xin ý kiến Bộ Tài nguyên - Môi trường.
“Tỉnh cũng đã cho khảo sát thực tế thị trường để áp giá đất. Nhưng Kiểm toán Nhà nước lại lấy giá hợp đồng mua bán ở đơn vị thuế để tính, trong khi trên thực tế, hợp đồng này thường rất thấp so với giá trị thực mua bán. Nếu như vậy quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng”, ông Cao Tiến Dũng nói.