Huyện Đô Lương (Nghệ An) hoàn thành tiêu chí giao thông huyện nông thôn mới

Thứ hai, 21/11/2022 15:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hoàn thành các tiêu chí về giao thông không chỉ giúp huyện Đô Lương chuẩn bị “cán đích” huyện nông thôn mới, mà quan trọng hơn là giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, người dân được hưởng lợi nhiều nhất.

Sự vào cuộc đồng bộ

Đã nhiều năm nay, trục đường chính ở xã Quang Sơn, huyện Đô Lương có nhiều dấu hiệu xuống cấp, gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông, giao lưu, buôn bán. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến giữa tháng 11/2022, trục đường chính của xã đã được nâng cấp, xây dựng lại hệ thống mương thoát nước đồng bộ, kết nối với các trục đường chính của các xã Thái Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn… Sự thay đổi về hạ tầng giao thông đã khích lệ tinh thần đóng góp của nhân dân trong xây dựng, phát triển kinh tế và tích cực đóng góp hoàn thiện các tiêu chí về xã nông thôn mới.

Người dân xã Quang Sơn (Đô Lương) đóng góp
ngày công làm đường giao thông nông thôn mới

Tương tự, ở xã Tân Sơn cũng đã cơ bản hoàn thành các điều kiện để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Trần Như Ý - Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, tính đến tháng 10/2022, xã Tân Sơn đã khởi công xây dựng 11 công trình, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 10,58 tỷ đồng, gồm: Các tuyến đường bê tông vào các nghĩa trang; Nhà bảo vệ, Nhà xe, Nhà làm việc Công an; Nhà chức năng Trường THCS Kim Đồng; Kênh bê tông xóm 1 đến xóm 3; Kênh bê tông xóm 4 đến xóm 5; Thi công tuyến 2 đường Làng nghề xóm 6; Vỉa hè sân vận động xã; Kênh bê tông tại xóm 3; Nâng cấp nhà làm việc UBND xã; Xây dựng 31 tuyến bê tông với chiều dài 2.043m theo cơ chế hỗ trợ 300 tấn xi măng của huyện.

Xã cũng đã khởi công xây dựng tuyến đường 18m từ Quốc lộ 7B, 7C do huyện làm chủ đầu tư… “Đến nay, xã Tân Sơn đã hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên thẩm định, phê duyệt công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” - ông Trần Như Ý cho biết.

Ông Trần Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương chia sẻ, để có thể hoàn thành các điều kiện, tiêu chí của huyện nông thôn mới vừa được ban hành trong năm 2022, cả hệ thống chính trị ở huyện Đô Lương đã tích cực, nỗ lực trong một thời gian dài. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ vậy, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Tính đến tháng 11/2022, huyện Đô Lương đã huy động nguồn vốn hơn 5,5 nghìn tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước là 2.033 tỷ đồng, chiếm 36,88%; Ngân sách Trung ương là 132 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh là 1.191 tỷ đồng; Ngân sách huyện là 237 tỷ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, người dân đóng góp 1.253 tỷ đồng, chiếm 22,74%. Trong đó, tiền mặt là 1.080 tỷ đồng; 55 tỷ đồng tính theo ngày công lao động và hiến đất...

Nguồn vốn nhân dân đóng góp chủ yếu thực hiện bằng ngày công, hiến đất và các loại vật tư, vật liệu sẵn có. Trong 10 năm, người dân toàn huyện đã hiến 1.286.408 m2 đất, gần 500.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa xóm.

Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

Theo lãnh đạo huyện Đô Lương, tại thời điểm năm 2010, các tuyến đường xã có tổng chiều dài 225,86 km; đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn là 102,02 km, đạt tỷ lệ 45,17%. Các tuyến đường trục xã, liên xã trong huyện cơ bản mới đạt quy mô nền đường rộng tối thiểu 5,0m, mặt đường rộng tối thiểu 3,0m. Đến tháng 11/2022, các tuyến đường xã, với tổng chiều dài 288,60 km đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn 288,60 km, đạt tỷ lệ 100%, tăng 54,83% so với năm 2010. Các tuyến đường trục xã, liên xã trong huyện đạt quy mô nền đường rộng tối thiểu 6,5m, mặt đường rộng tối thiểu 3,5m, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.

Đường trục thôn, xóm và liên thôn, xóm với tổng chiều dài 596,65 km đã được cứng hóa đạt chuẩn 100%. Tổng chiều dài đường bộ các loại trên địa bàn huyện Đô Lương hiện nay là 1.698,19 km. Trong đó, có 7 tuyến quốc lộ, 5 tuyến đường tỉnh và hệ thống đường huyện, đường xã, đường thôn, xóm dày đặc, khá hoàn chỉnh, đảm bảo kết nối thuận tiện từ trung tâm huyện đến 33 xã, thị trấn. Có 28 tuyến đường huyện, chiều dài 202,5 km, 100% các tuyến đường huyện đều được đầu tư xây dựng bằng mặt đường nhựa, bê tông nhựa hoặc mặt đường bê tông xi măng, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn.

“Đến nay, 32/32 xã trên địa bàn huyện Đô Lương đã đạt chuẩn 100% các yêu cầu tiêu chí giao thông theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 của UBND tỉnh Nghệ An. Hiện nay, huyện Đô Lương có 32/32 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với các tiêu chí khác, Đô Lương đang hoàn thiện hồ sơ trình các cấp, ngành thẩm định và công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới” - ông Trần Văn Hiến cho biết.

kieuanh

Nguồn: Báo Nghệ An

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)