Kết quả bước đầu trong triển khai Chương trình phát triển GTVT tỉnh Hưng Yên

Thứ sáu, 25/11/2022 15:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 28/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chương trình phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 10-NQ/TU).

Qua hơn 1 năm thực hiện, hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh và khu vực có nhiều thay đổi và phát triển nhanh. Ngoài các công trình, tuyến đường trung ương quản lý đi qua địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới, nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện đã được nâng cấp, cải tạo thành mạng lưới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá bền vững và phát triển, góp phần đưa Hưng Yên thay đổi diện mạo mới, vị thế mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thi công tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Giai đoạn vừa qua, hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển nhanh, nhất là những tuyến đường trọng điểm, đường giao thông nông thôn. Trong đó, đối với các tuyến đường do trung ương đầu tư, quản lý như: Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2), tuyến đường vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội… đang được các ngành, địa phương, đơn vị thi công tích cực triển khai thực hiện.

Đối với các tuyến đường tỉnh, một số dự án như: ĐT.382B đoạn từ ranh giới tỉnh Hưng Yên - Hà Nội đến nút giao đường Vành đai 3,5 bên trái tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; xây dựng 4 nhánh đường thuộc nút giao giữa đường Vành đai 3,5 với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và xây dựng đường Vành đai 3,5 từ chân cầu vượt Long Hưng đến ranh giới Khu đô thị Đại An… đã cơ bản hoàn thành.

Cùng với đó, hiện nay có nhiều dự án đã khởi công và đang tập trung thi công như: Dự án đầu tư xây dựng đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục ngang kết nối QL.39 với ĐT.376; Dự án đường nối ĐH.45 xã Đồng Than với ĐT.376 xã Ngọc Long; Dự án nâng cấp, mở rộng đường gom (bên phải) đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn từ nút giao với ĐT.376 đến giao với QL.38)...

Trong tháng 7/2022, có 3 dự án công trình giao thông mới được khởi công gồm: Dự án ĐT.382B nhánh phải, Km0-Km14+420; Dự án nâng cấp cải tạo ĐT.380 đoạn Km0-Km2+800; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.387 đoạn Km 0+080 - Km 2+843. Một số công trình giao thông quan trọng do các địa phương làm chủ đầu tư đang tích cực triển khai, như: Đầu tư xây dựng đường Đông -  Tây I (đoạn từ ĐT.378 đến ĐT.382B); xây dựng đường quy hoạch 69m từ đường Phạm Ngũ Lão (ĐT.387) qua Khu công nghiệp Minh Đức đến cầu Sặt (QL.38), thị xã Mỹ Hào (giai đoạn 1); xây dựng đường trục quy hoạch Bắc Nam từ huyện Văn Lâm đến đường Phạm Ngũ Lão, thị xã Mỹ Hào;…

Từ năm 2021 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã và đang triển khai đầu tư, nâng cấp 57,64km các dự án, công trình trên các tuyến đường huyện, đường đô thị với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng. Cùng thời gian này, các địa phương đã cải tạo, nâng cấp hơn 90,4km đường xã, hơn 275km đường thôn, xóm, đường ra đồng, với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay, trên 99,4% các tuyến đường huyện, đường đô thị được trải nhựa hoặc bê tông; trên 99,1% các tuyến đường xã, đường liên xã được trải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ đường trong thôn, xóm và các tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 88%.

Lãnh đạo Sở GTVT kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường bộ
nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Đối với hệ thống giao thông đường thủy, đến nay đã công bố 16 bến khách ngang sông để phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trên địa bàn tỉnh; có 28 bến thủy nội địa (bến hàng hóa) hoạt động phục vụ nhu cầu các công trình xây dựng, bốc xếp hàng hóa, kết nối giao thông và tận dụng ưu thế đường thủy trong phát triển kinh tế địa phương.

Về hoạt động vận tải, đã cơ bản hoàn chỉnh quy hoạch tuyến cố định, buýt liên tỉnh bảo đảm tính kết nối với mạng lưới vận tải trong nước và liên vận quốc tế, chú trọng đổi mới chất lượng phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đã phát triển các tuyến liên vận hàng hóa từ Việt Nam đi Trung Quốc, Lào.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 250 tuyến vận tải khách tuyến cố định liên tỉnh đã được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch. Các đơn vị hiện đang khai thác 90 tuyến với 175 xe; có 8 tuyến buýt lân cận đang hoạt động với 147 xe đi Hà Nội và các tỉnh: Hà Nam, Thái Bình và Hải Dương; có 26 hãng taxi với 1.063 xe; 695 xe khách theo hợp đồng và 11.154 xe vận tải hàng hoá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh trong hơn 1 năm qua gặp nhiều khó khăn, thời gian hoạt động thì chỉ đảm bảo 30 - 50% số lượng phương tiện; tần suất và nhu cầu khách đi lại còn hạn chế.

Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch Nghị quyết số 10-NQ/TU đề ra, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai bảo đảm kế hoạch, tiến độ các dự án trong kế hoạch trung hạn theo kế hoạch vốn được giao. Trong đó, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh, thành phố liên quan triển khai thực hiện một số dự án giao thông đối ngoại như: Đầu tư xây dựng và hoàn thành giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài; đường Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội.

Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông quan trọng của tỉnh như: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan (giao với ĐT.378)...

Chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn; phát triển hệ thống đường giao thông đô thị phù hợp với quy hoạch đô thị và Chương trình phát triển đô thị tỉnh; nghiên cứu phát triển hệ thống đường thủy, đường sắt phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ, đường thủy theo kịp với sự phát triển và những diễn biến của hoạt động vận tải; nghiên cứu, hình thành các tuyến vận tải liên tỉnh kết nối thuận tiện với các tỉnh và kết nối được với các tuyến liên vận quốc tế…

kimcuc

Nguồn: Báo Hưng Yên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)