UBND tỉnh Bình Định ban hành Văn bản số 7167/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-UBND ngày 14/11/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong lĩnh vực ngành giao thông.
Ảnh minh họa
Theo đó, cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng ngành giao thông cho các cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ quản lý đầu tư xây dựng để đảm bảo chất lượng ngay từ khâu thẩm định hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế; Tăng cường việc kiểm tra định kỳ, đột xuất để thực hiện công tác quản lý chất lượng trong suốt quá trình thi công xây dựng công trình giao thông; Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, thanh tra, quản lý chất lượng công trình giao thông trong giai đoạn thi công; có biện pháp điều chỉnh và xử lý kịp thời các tồn tại, bất cập để đảm bảo phù hợp yêu cầu kỹ thuật, chất lượng xây dựng và hiệu quả đầu tư dự án. Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan kịp thời xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý đầu tư, quản lý chất lượng xây dựng công trình giao thông…
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư đối từng dự án; đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ, đảm bảo tính chuyên nghiệp để đạt hiệu quả công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng xây dựng công trình giao thông. Nâng cao chất lượng trong việc lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế công trình giao thông, phải đảm bảo đầy đủ số liệu khảo sát địa chất, thuỷ văn, địa hình theo đúng quy định, nhất là các khu vực nền đất yếu, khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, đèo dốc…; tổ chức giám sát và nghiệm thu kết quả khảo sát, kiểm soát chất lượng hồ sơ trước khi trình thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định.
Trong công tác lựa chọn nhà thầu, Chủ đầu tư phải căn cứ vào các quy định của Luật Đấu thầu, yếu tố kỹ thuật của dự án và yêu cầu về năng lực của tổ chức theo quy mô gói thầu để xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà thầu phù hợp vừa đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng vừa đảm bảo lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, nguồn tài chính tham gia dự án. Bên cạnh đó, trong hợp đồng phải quy định rõ trách nhiệm của các nhà thầu và biện pháp xử phạt cụ thể cho các hành vi vi phạm về chất lượng, tiến độ và tăng cường xử phạt vi phạm theo hợp đồng đã ký kết…/.