Nhiều nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương đã được điều chỉnh giảm để bổ sung cho các dự án giao thông trọng điểm.
Ưu tiên những dự án quan trọng
Ngày 19/12, UBND TP Cần Thơ cho biết, vừa triển khai kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn lại của năm 2022.
Dự án đường Vành đai phía Tây Cần Thơ đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Theo đó, UBND Cần Thơ giao kế hoạch tổng vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 5.679,7 tỷ đồng cho 37 đơn vị gồm 28 sở, ban, ngành và 9 quận, huyện triển khai thực hiện các dự án.
Trong đó, nguồn vốn do TP quản lý là trên 3.912,8 tỷ đồng, chiếm 68,89% tổng kế hoạch vốn phân bổ chi tiết.
Vốn này được bố trí chi tiết cho 88 dự án thuộc 28 chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện các dự án hạ tầng giao thông quan trọng của TP như: đường Vành đai phía Tây, ĐT917, 918, 921, 923, các dự án kè chống sạt lở bờ sông, ổn định đời sống người dân, các công trình hạ tầng xã hội…
Phối cảnh dự án đường vành đai phía Tây Cần Thơ.
Trước đó, UBND TP Cần Thơ cũng đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 các nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương.
Cụ thể, UBND TP quyết định điều chỉnh giảm 199,492 tỷ đồng vốn thuộc ngân sách địa phương của 44 dự án và bổ sung nguồn vốn này cho 7 dự án có nhu cầu bổ sung vốn để giải ngân trong năm 2022.
Các dự án gồm: Bệnh viện dã chiến số 5 thuộc dự án nhóm C được bổ sung 948 triệu đồng; dự án ĐT918 (xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ cầu Lộ Bức đến cuối ĐT923) là dự án nhóm B với số vốn được bổ sung 18,901 tỷ đồng.
Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị thuộc dự án nhóm A được bổ sung 158,361 tỷ đồng; dự án cầu Cờ Ðỏ trên ĐT919 thuộc dự án nhóm B được bổ sung 10 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối QL91 đến QL61C) thuộc dự án nhóm A được bổ sung 7,526 tỷ đồng. Dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn giai đoạn 1 đoạn từ vàm Ba Rích đến kênh thủy lợi 1 thuộc dự án nhóm B với số vốn bổ sung 3,256 tỷ đồng; Trung tâm Văn hóa - Thể thao Ninh Kiều thuộc dự án nhóm B được bổ sung 500 triệu đồng.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông
Trong số các dự án giao thông trọng điểm của Cần Thơ, có Dự án đường Vành đai phía Tây Cần Thơ (nối QL91 và QL61C) đi qua các quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Phong Ðiền, Ninh Kiều và Cái Răng.
Lễ khởi công Dự án đường Vành đai phía Tây Cần Thơ trong tháng 11 vừa qua.
Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 19,2km; trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn và các cống thoát nước theo địa hình. Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.837 tỷ đồng.
Tổng số diện tích đất bị ảnh hưởng là 180,49ha với khoảng 1.380 trường hợp bị ảnh hưởng. Sở GTVT Cần Thơ cho biết, đến khoảng đầu tháng 12 này, đã tiến hành kiểm đếm nhà, vật kiến trúc, cây trồng được 1.359/1.380 trường hợp.
UBND các quận Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Ðiền đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết cho các hộ dân cho 321 trường hợp với số tiền hơn 359,2 tỷ đồng; đã chi trả cho 192 trường hợp với số tiền là gần 303 tỷ đồng.
Các đơn vị chủ quản các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước) bị ảnh hưởng bởi dự án đã lập hồ sơ thiết kế và dự toán phương án di dời.
Ngày 17/11 vừa qua, TP đã khởi công 3/7 gói thầu (gói thầu 16, 17 và 20); đã phát hành hồ sơ mời thầu xây lắp gói 19, dự kiến mở thầu ngày 18/12 tới…
Sắp tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai các gói thầu còn lại trong năm 2023-2024. Ðồng thời, thường xuyên giám sát, đôn đốc các đơn vị thi công tập trung nguồn lực nhân công, trang thiết bị máy móc phục vụ công trình, tăng ca đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình, thời gian hoàn thành công trình theo đúng tiến độ đề ra…
Vừa qua, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cùng lãnh đạo UBND và các đơn vị có liên quan đã kiểm tra thực tế 2 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn gồm: Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau; và Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ.
Kiểm tra tại các công trình này, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, ông Lê Quang Mạnh yêu cầu Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Cái Răng phối hợp UBND quận tiến hành rà soát các phần việc, khẩn trương triển khai thực hiện công tác đo đạc để hoàn thiện hồ sơ, tiến hành áp giá, phê duyệt phương án bồi thường và chi trả cho dân. Qua đó, đảm bảo đúng tiến độ và bàn giao mặt bằng dự án cho Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, sớm đưa công trình vào khởi công xây dựng.
Với Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ, Sở GTVT TP Cần Thơ - chủ đầu tư dự án phối hợp với UBND quận, huyện liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thi công dự án…