Chiều 19/12, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức hội thảo “Phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD) và quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh”.
Hội thảo thảo luận về phương hướng áp dụng TOD và PPP trong phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Quỹ đất xung quanh các nhà ga metro số 1, 2 được đánh giá là tiềm năng
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo quy hoạch TP. Hồ Chí Minh sẽ đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư dự kiến 15 tỷ USD và hiện đang đang thực hiện 2 tuyến là metro số 1 và metro số 2.
Với tổng mức đầu tư nói trên, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 25% còn lại phải huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Do đó, theo ông Lâm, một trong các giải pháp được đánh giá tiềm năng nhất là phát huy giá trị nguồn lực đất đai xung quanh các dự án trên.
Cụ thể là công tác quy hoạch phải gắn với giao thông công cộng và ngược lại để nâng giá trị nguồn lực đất đai, thu hút nhà đầu tư. Từ đó đầu tư phát triển các đô thị, kết nối với hạ tầng giao thông, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng.
Cũng theo ông Lâm, TP. Hồ Chí Minh là một siêu đô thị, mật độ dân số 4.000 người/km2, dân số lên đến 13 triệu dân, quy hoạch giao thông có từ năm 2001 nhưng thời gian qua việc triển khai còn nhiều vướng mắc thách thức do hạn chế về nguồn lực.
Chính vì vậy làm thế nào để giải quyết bài toán giao thông công cộng và đầu tư hạ tầng là một thách thức lớn cần sự tham gia từ nhiều nguồn lực trong xã hội.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, TP. Hồ Chí Minh quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng với nhiều dự án, nếu thực hiện tốt sẽ cải thiện được tình hình ùn tắc giao thông trong 10 năm tới. Hình thức PPP là một giải pháp tốt mà nhiều nước trong khu vực đã thực hiện thành công trong lĩnh vực này.
Chia sẻ về phương thức đầu tư metro công cộng TP. Hồ Chí Minh, ông Mathew Hunt, đại diện Ngân hàng Thế giới nói về quy hoạch nhà ga metro cần hiểu rõ giá trị tiềm ẩn của bất động sản giao thông.
Theo đó, nguồn thu từ tiền thuê và giá trị đất tăng lên nếu thành phố/cơ quan quản lý giao thông cho thuê hoặc sở hữu đất. Lập bản đồ và thu thập dữ liệu cần thiết để hoàn thiện danh mục đầu tư.
Xây dựng chiến lược và quản lý tài sản bất động sản nhằm tối ưu giá trị. Xem xét tất cả bất động sản của mỗi nhà ga: bên trong, bên ngoài, hạ tầng hỗ trợ và phụ trợ, bông trình ngầm và trên cao, không gian mở. Đồng thời xác định rõ những trường hợp mà nguồn vốn nhà nước đang tạo ra của cải tư nhân để thương lượng nhằm chia sẻ lợi ích.
Sau đó, định hướng các cơ quan hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ tạo nguồn doanh thu/quản lý bất động sản giao thông phải hành động linh hoạt theo biến động của thị trường - cả khu vực công và tư nhân đều được hưởng lợi. Xác định vai trò của cơ quan quản lý giao thông và xây dựng thể chế cần thiết cho phù hợp.