Đắk Nông tập trung xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giao thông “thay da đổi thịt” vùng quê
Đắk Nông với đặc thù vùng Tây Nguyên, đường sá đi lại khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của đồng bào.
Việc đầu tư hệ thống đường, xây cầu đã bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục tình trạng chia cắt, cô lập đường vào các thôn, buôn, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản của người dân.
Những con đường giao thông nông thôn không ngừng nối dài,
tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Ảnh: N.H
Những năm trở lại đây, giao thông được kết nối đã từng bước làm thay đổi diện mạo khu dân cư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.
Đi trên con đường bê tông thẳng tắp, sạch đẹp vừa mới làm xong, bà H’ Dun (ngụ buôn Trum, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) vui mừng chia sẻ: “Đường vừa xong, đúng vào mùa thu hoạch nên người dân đi lại, vận chuyển nông sản rất thuận lợi khiến ai cũng phấn khởi".
Theo bà H’Dun, với mong muốn tạo thuận lợi cho người dân đi lại, địa phương đã vận động nhân dân tham gia đóng góp kinh phí cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng, cải tạo hệ thống đường giao thông. Nhận thấy chủ trương đúng đắn, bà con tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Gần 10 năm qua, người dân đi lại trên con đường xuống cấp, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi bặm. Sau khi đường giao thông được đầu tư nâng cấp, xây mới đã tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.
Nhờ vậy, bà con mở rộng diện tích canh tác, đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao.
Hàng năm, thu nhập của bà con vì thế được nâng lên, mở ra cơ hội thoát nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc trong xã.
Cùng chung niềm phấn khởi, ông Lê Văn Hùng (ngụ xã Nam Dong) vui mừng nói: “Giao thông nông thôn đã giúp người dân đi lại thuận lợi, tạo điều kiện kết nối thông thương giữa địa phương và các vùng lân cận.
Khi địa phương thông báo chủ trương làm đường đã tạo được sự đồng lòng trong nhân dân.
Mặc dù bị thiệt hại về đất nhưng người dân đều vui vẻ phá bỏ bờ tường rào và các vật kiến trúc khác để nhường đất cho thi công đường.
Theo lãnh đạo UBND xã Nam Dong, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương rất chú trọng việc khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực trong quần chúng nhân dân.
Đơn cử, như tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng mở rộng đường diễn ra thuận lợi.
Thời buổi, “tấc đất, tấc vàng” nhưng các gia đình đã tự nguyện hiến đất khi xã hội cần để làm đường giao thông.
Sự đóng góp của người dân đã góp phần quan trọng giúp các địa phương mở rộng được nhiều tuyến đường giao thông trở nên rộng rãi, khang trang.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ý Đảng hợp lòng dân, sẽ giúp cho phong trào hiến đất mở đường tiếp tục được lan tỏa trong mỗi người dân, góp phần đưa kết cấu hạ tầng giao thông vùng nông thôn phát triển.
Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vũng
Theo ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), thời gian qua, UBND huyện đã chủ động tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hạ tầng giao thông nông thôn ở Đắk Nông từng bước được "thay da đổi thịt". Ảnh: N.H
Với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong huyện, bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, đồng bộ, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông các điểm ”nghẽn” tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế của huyện.
Đến nay, huyện đã giữ vững 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quyết định 391/QĐ-UBND ngày 7/3/2017 về việc ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Năm 2022 ước mỗi xã đạt thêm từ 1 đến 2 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, ước xây dựng 2 khu dân cư kiểu mẫu và 2 vườn mẫu, rẫy mẫu, ước đạt 90%. Hiện tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường giao thông liên thôn, buôn, bon, TDP ước đạt 87,54%.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022, ước đạt 53 triệu đồng/người/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo ước 2,17% (trong đó giảm hộ nghèo trong vùng dân tộc TSTC 2%) (Nghị quyết 1-1,5%), ước đạt 144,46%.
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân.
Vì vậy, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo triển khai thực hiện ghép tất cả các chương trình hỗ trợ của Trung ương, cùng với nguồn lực của địa phương, đến nay, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đổi mới.
Hạ tầng cơ sở được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, ngày càng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong đó, đặc biệt đời sống kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống ngày càng phát triển.
Theo đó, liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, năm qua tỉnh phấn đấu đạt trên 5% nhưng đến nay đã đạt 8,45% vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai 3 chương trình của trung ương về giảm nghèo bền vững Quốc gia 2021-2025, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng cơ sở vật chất, giao thông, để phát triển một cách toàn diện diện mạo của tỉnh.
“Để tiếp tục thực hiện kế hoạch giảm nghèo bền vùng, xây dựng nông thôn mới, tỉnh tập trung phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Tỉnh sẽ lồng ghép tất cả các chương trình hỗ trợ của Trung ương, cùng với địa phương và sự đống góp của dân để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất tất cả các mặt để làm sao tạo động lực phát triển kinh tế bền vững”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.