Đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Thánh, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) là hết sức cần thiết nhằm giải quyết vấn đề giao thông đối ngoại của người dân khu vực Văn Thánh đi nam sông, giảm mật độ lưu thông trên đường Lê Thị Hồng Gấm, đường Bà Triệu và các cầu Dục Thanh, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo.
Thành phố Phan Thiết sẽ mở rộng không gian kiến trúc khi xây dựng cầu Văn Thánh
Ngoài ra, khi cầu hoàn thiện sẽ mở rộng không gian kiến trúc, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị loại II…
Hiện nay, việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân ở khu vực khu dân cư Văn Thánh và các khu dân cư phía nam sông Cà Ty rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, mất thêm chi phí di chuyển do phải đi đường vòng qua đường Lê Thị Hồng Gấm, đường Bà Triệu và các cầu Dục Thanh, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo để đến trung tâm TP. Phan Thiết. Mặt khác, tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm đã xuống cấp, nhiều vị trí xuất hiện “ổ gà”, mặt đường nhỏ hẹp và với lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến khá cao nên đoạn đường trên thường xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ, gây khó khăn và mất an toàn giao thông cho người dân và phương tiện lưu thông trên tuyến. Do đó, việc đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Thánh, TP. Phan Thiết là hết sức cần thiết nhằm giải quyết vấn đề giao thông đối ngoại của người dân khu dân cư Văn Thánh đi khu vực nam sông, giảm mật độ lưu thông trên đường Lê Thị Hồng Gấm, đường Bà Triệu và các cầu Dục Thanh, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo.
Công trình cầu Văn Thánh được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án đầu tư xây dựng có quy mô bằng bê tông cốt thép (BTCT) dự ứng lực gồm 6 nhịp dài 174 m gồm 5 nhịp dài 30 m và 1 nhịp dài 24 m. Chiều dài toàn cầu là 179,85 m, tính đến đuôi tường cánh mố. Chiều rộng cầu 19 m, trong đó chiều rộng phần xe chạy 15 m, chiều rộng lề bộ hành và lan can mỗi bên 2 m. Bản mặt cầu BTCT đá 1x2 cm dày 18 cm. Thảm bê tông nhựa dày 7 cm, bản mặt cầu được mở rộng từ gờ lan can ra mỗi bên 0,5 m để bố trí đường ống cấp nước phi 315. Mố cầu chữ U, 5 trụ dạng thân cột BTCT đá (1x2) cm trên móng cọc khoan nhồi phi 1.200. 5.2. Hệ thống đường dẫn dài 295,4 m, chiều rộng nền đường 27 m, trong đó chiều rộng mặt đường 15 m, chiều rộng vỉa hè mỗi bên 6 m.
Bên cạnh công trình chính là xây dựng cầu, dự án còn cải tạo nút giao ngã ba Chữ Y phường Đức Long. Từ đường dẫn đầu cầu phía mố M1 đấu nối trực tiếp với nút giao ngã ba Chữ Y hiện hữu. Hệ thống thoát nước được bố trí cống tròn BTCT đá 1x2 cm kết hợp với hố ga thu nước dọc 2 bên đường. Ngoài ra còn trồng cây xanh tạo mỹ quan khu vực và hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hai bên vỉa hè và hai bên lan can cầu, trụ đèn bằng thép mạ kẽm, sử dụng bóng đèn Led và hệ thống dây điện được thiết kế ngầm đảm bảo mỹ quan đô thị. Hệ thống an toàn giao thông cọc tiêu, biển báo hiệu, hộ lan, sơn đường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường của Bộ Giao thông vận tải. Tổng mức đầu tư dự kiến 225,257 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Vốn được bố trí 4 năm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Cầu dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 1/2023.
Xây dựng cầu Văn Thánh ngoài góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu lưu thông được thuận tiện, an toàn. Cầu Văn Thánh khi hoàn thiện sẽ nâng tầm đô thị Phan Thiết đó là mở rộng không gian kiến trúc, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị loại II cũng như phát triển kinh tế - xã hội của TP. Phan Thiết và củng cố an ninh, quốc phòng ở địa phương…