Năm Quý Mão cận kề mang theo niềm tin hy vọng, nhà thầu cùng chủ đầu tư đang nỗ lực vượt tiến độ đưa cầu Giới Phiên về đích trước thời hạn.
Xuyên ngày, đêm thi công đưa dự án về đích sớm
Ngày 4/1, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại công trường thi công Dự án Đầu tư xây dựng Công trình cầu Giới Phiên (thành phố Yên Bái) những ngày cận Tết, tiến độ thi công dự án càng khẩn trương.
Ở trên độ cao 35 mét thời tiết 15 độ C, rét cắt da, cắt thịt - kỹ sư Nguyễn Anh Dũng, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Chỉ huy Công trình cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái đang chỉ đạo công nhân kiểm tra, đo đạc phần trụ của mái vòm cầu để các công nhân xử lý chính xác từng chi tiết.
Đối với kỹ sư Nguyễn Anh Dũng thì đây là mùa xuân thứ 2 anh sẽ ăn Tết ở cầu Giới Phiên, với anh Dũng niềm tin yêu bên những cây cầu luôn là niềm hạnh phúc.
Cầu Giới Phiên hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ
cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối hai bên
bờ sông Hồng tạo thành trục kết nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Rộn ràng trong tiếng máy, kỹ sư Nguyễn Anh Dũng vui mừng chia sẻ: “Ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, ai cũng muốn về bên gia đình, vợ con. Thế nhưng, nhìn công trình đang trong giai đoạn cao điểm, mọi người lại động viên nhau cố gắng thi công xuyên đêm, sớm hoàn thành công trình để đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân trong vùng”.
Mùa lũ hàng năm kéo dài và bất thường do ảnh lượng lớn nước từ thượng nguồn chảy mạnh và xiết, dâng cao gây ảnh hưởng đến công tác neo đậu xà lan và hệ nổi, máy móc thiết bị nói chung. Nhờ đã từng thi công cầu Bách Lẫm cách đó khoảng 7 km và nắm được mùa lũ công tác thi công trụ T5, T6, T7, T8 giữa sông đã vượt kế hoạch thi công từ 8 tháng rút xuống còn 5 tháng”.
Nhiệt độ thấp, cộng với những cơn gió lạnh liên tục hắt từ sông Hồng vào khiến công trường lạnh lẽo hơn. Hòa trong tiếng búa, tiếng máy là tiếng cười sang sảng của những công nhân trẻ tuổi đang hăng say miệt mài lao động.
Nhanh tay buộc hàng cọc sắt, anh Ngô Chí Đồng (SN 1989, quê Nghệ An) tếu táo: “Nhanh tay lên mấy anh ơi, xong việc sớm còn về ăn Tết với gia đình thôi, chứ mùa đông năm nay lạnh lắm - đã lâu rồi mình cũng chưa được về với gia đình”.
Còn đối với công nhân Lý Văn Thắng (SN 1983, quê ở Cao Bằng) cho biết: “Công nhân thi công cầu Giới Phiên được chia làm 3 ca làm việc chính, mỗi ca làm bao gồm 8 tiếng đồng hồ và sẽ được luân phiên liên tục bởi 4 kíp làm việc. Đêm trên sông, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, gió thổi như hắt nước vào mặt. Thế nhưng, anh em công nhân chúng tôi cùng kỹ sư tư vấn giám sát và cán bộ chỉ đạo của chủ đầu tư vẫn quyết tâm bám cầu.
“Cầu Giới Phiên có chiều dài 518m, gồm 9 nhịp, có tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng. Được thiết kế vĩnh cửu, dạng cầu vòm thép hiện đại, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với bề rộng toàn cầu là 20,5m. Công trình do Ban Quản lý Dự án công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm đại diện chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Phong, cầu được khởi công từ cuối tháng 12/2021. Công trình dự kiến thi công trong 20 tháng và sẽ hoàn thành vào tháng 9/2023". |
Lạnh thì mặc thêm áo, đốt lửa, rồi anh em thăm hỏi, động viên nhau để ấm hơn. Đặc biệt, công nhân luôn được những người dân ra công trường hỏi han về quy mô cầu, tiến độ và sau đó là những lời động viên. Sự quan tâm của người dân là nguồn động lực rất lớn để chúng tôi nổ lực hơn nữa, quyết tâm vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng”, anh Thắng nói.
Sớm tạo điểm nhấn cho thành phố
Qua tìm hiểu, bên cạnh yếu tố địa hình, thời tiết thì quá trình thi công cầu Giới Phiên cũng gặp không ít khó khăn, điển hình như công tác GPMB. Nhưng với quyết tâm để cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ, TP Yên Bái đã tập trung giải quyết kịp thời những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, ngay từ ngày nhận công địa, đơn vị thi công đã huy động tới đa nhân lực với các phương tiện máy móc hiện đại làm việc liên tục 24/24h. Cụ thể, trên công trường có đến gần 130 công nhân, 15 kỹ sư, cùng nhiều trang bị máy móc hiện đại. Trong đó có 7 cẩu công suất từ 35 - 250 tấn, 4 sà lan, 3 bộ thiết bị khoan cọc nhồi đặc chủng cùng các máy, thiết bị khác. Đến nay, công trình đã thi công được 53% khối lượng công việc, vượt tiến độ đã đề ra.
Ông Trần Hưng Lam (Giám đốc Ban điều hành Dự án Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính) tự tin: "Công ty đã có rất nhiều kinh nghiệm từ thi công các công trình lớn, như: Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng), cầu Việt Hoàng ở Huế, cầu Bách Lẫm, cầu Cổ Phúc (Yên Bái)… xây dựng cầu Giới Phiên, chúng tôi gặp địa chất phức tạp khi gặp đá sớm hoặc gặp đá muộn. Như trụ T7 chúng tôi phải khoan tới 31 mét chiều sâu. Với bằng trách nhiệm và tâm huyết đội ngũ kỹ sư, công nhân của Công ty cố gắng mang đến cho Yên Bái một cây cầu có kiểu dáng đẹp với mái vòm ở giữa - một dấu ấn đối với sự phát triển của địa phương, ông Lam cho biết.
Theo ông Đỗ Việt Bách, Giám đốc Sở giao thông Vận tải Yên Bái cho nhấn mạnh: “Cầu Giới Phiên hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng là cây cầu thứ 5 bắc qua Sông Hồng trên địa bàn thành phố Yên Bái. Nhằm hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối hai bên bờ sông Hồng tạo thành trục kết nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với QL32C, QL70 với đường Âu Cơ và kết nối với trung tâm thành phố Yên Bái.
Cầu Giới Phiên khi hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn và là tiền đề để phát triển không gian đô thị thành phố Yên Bái về phía hữu ngạn sông Hồng nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh. Cầu phù hợp với quy hoạch giao thông và góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030 với mục tiêu phát triển Yên Bái nhanh và bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Bóng dáng cây cầu đang dần hiện hữu, mở ra những cơ hội phát triển kinh tế xã hội của cả thành phố Yên Bái và các địa phương khác trong vùng. Một mùa Xuân mới đang về, mang theo những niềm tin, ước vọng về một cây cầu thứ 5 trên địa bàn thành phố Yên Bái.