Năm qua, Sở GTVT Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, phát triển hiệu quả lĩnh vực GTVT.
Cụ thể, lãnh đạo Sở GTVT chỉ đạo giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, như tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công; kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đầu tư mới các phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT... thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính và đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thi công cầu Lạch Trường, thuộc dự án đường
giao thông ven biển, đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa.
Năm 2022, tổng số nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở GTVT chủ trì giải quyết 593 nhiệm vụ và đã giải quyết xong 543 nhiệm vụ, còn 50 nhiệm vụ đang giải quyết, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 100%. Sở cũng đã trình UBND tỉnh ban hành quy định về lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa; hoàn thành lập Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Cục Hàng hải Việt Nam hoàn hiện, trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt...
Đi đôi với đó, Sở GTVT đã kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân, nhất là trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, tết, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT. Cấp giấy phép kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu của tổ chức và công dân.
Đăng ký, đăng kiểm phương tiện giải quyết nhanh gọn, rút ngắn thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân. Về vận tải hàng không, tiếp tục tăng về tần suất chuyến bay và số lượng hành khách, đã thực hiện 9.772 lượt cất hạ cánh, tăng 73% so với cùng kỳ, vận chuyển khoảng 1,6 triệu lượt, vượt 33% công suất thiết kế. Vận tải hàng hóa 55,324 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ; vận chuyển 24,97 triệu lượt khách, tăng 21%. Hàng hóa thông qua cảng 43,5 triệu tấn (trong đó qua Cảng Nghi Sơn 43,35 triệu tấn), tăng 2,4% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải đạt 16.105 tỷ đồng, tăng 30,5%. Sở đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh hoàn thành cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; lắp đặt trang bị, sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên để đào tạo lái xe ô tô theo quy định...
Về đầu tư xây dựng cơ bản, lãnh đạo Sở GTVT tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương và đơn vị có liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu (đất đắp, cát) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Bên cạnh đó, sở đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT để giải quyết những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, nhất là về nguồn cung ứng vật liệu phục vụ thi công. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như dự án đường Vạn Thiện đi Bến En, dự án đường nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa)...
Sở GTVT thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh và đã tổ chức 9 lượt kiểm tra chất lượng xây dựng công trình giao thông do các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư, qua đó kịp thời chấn chỉnh các sai sót; đã thẩm định các dự án theo phân cấp 96 hồ sơ, với kinh phí trình/kinh phí thẩm định 7.151 tỷ đồng/7.069 tỷ đồng, giảm chi phí 82 tỷ đồng. Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng các dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư 2.109 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021 (trong đó, vốn các dự án Bộ GTVT quản lý 315 tỷ đồng, vốn dự án do tỉnh quản lý 1.794 tỷ đồng).
Dự kiến đến 31/1/2023 sẽ cơ bản giải ngân hết vốn giao năm 2022 theo đúng niên hạn. Sở cũng đã tăng cường công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ, kiểm tra, rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và kịp thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép xử lý. Bên cạnh đó, Sở GTVT phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự, ATGT.
Đồng chí Nguyễn Văn Khiên, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, sở tập trung tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện phương án phát triển mạng lưới GTVT trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành công tác tham mưu trình phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo với Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án xã hội hóa Cảng Hàng không Thọ Xuân để làm cơ sở kêu gọi đầu tư Nhà ga hành khách T2 và cơ sở hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng và theo dõi chặt chẽ kế hoạch thực hiện, giải ngân, thu hồi ứng hàng tháng của từng dự án, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng niên độ. Sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng các công trình giao thông từ nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, về nguồn cung vật liệu (đất, cát đắp nền), để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT để đẩy nhanh triển khai thực hiện và hoàn thành dự án thành phần đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023; với Cục Hàng hải Việt Nam triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, hoàn thành trong năm 2024. Tăng cường công tác quản lý, bảo trì các công trình giao thông nhằm nâng cao tuổi thọ công trình và phát huy hiệu quả khai thác. Tiếp tục rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn mất ATGT, để tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí xử lý.
Tiếp tục chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực vận tải để phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch trong giai đoạn 2020–2025. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi các cảng hàng không trong nước và quốc tế; chính sách hỗ trợ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; đề án phát triển hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phối hợp với các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải; kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch lái xe nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Nâng cao vài trò quản lý Nhà nước của Sở GTVT đối với các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn.