Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023, ngành giao thông vận tải (GTVT) An Giang đã huy động 1835 xe, với hơn 41.500 ghế ngồi, cùng hệ thống xe trung chuyển (đưa, rước khách từ nhà đến bế xe và ngược lại) và gần 300 xe taxi khác để tham gia hoạt động vận chuyển phục vụ người dân đi lại...
Theo đó, Sở GTVT An Giang đã chỉ đạo các đơn vị vận tải phải chủ động phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách, nhất là đảm bảo trật tự an toàn giao thông ngay trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Quý Mão trên toàn địa bàn tỉnh, cũng như tuân thủ nghiêm các quy định về đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Các hiện tượng chèn ép giá vé để lợi dụng tăng giá, các “xe dù” tự phát phải được xử lý triệt đê,̉ nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hành khách về quê đón Tết khi không có phương tiện vận chuyển.
Giám đốc Sở GTVT An Giang Nguyễn Phú Tân cho biết, đơn vị yêu cầu các bến xe, bến tàu trong tỉnh phải công khai, minh bạch đúng quy định về các loại giá, phí dịch vụ tại bến. Mặt khác, những nơi này sẽ tổ chức nhiều hình thức bán vé, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và triệt để chống đầu cơ, buôn bán vé chợ đen gây mất trật tự tại bến.
Ngay vào thời điểm trước Tết, ngành đã phối hợp các đơn vị liên quan tập trung phương tiện giải tỏa khách từ bến xe miền Tây (TP.Hồ Chí Minh) và các bến xe các tỉnh có khu công nghiệp, khu chế xuất…về An Giang, cũng như ngược lại. Được biết, tổng số xe huy động có 320 xe các loại chạy tuyến cố định, tương đương 11.200 ghế; 1416 xe khác, tương đương 28.230 ghế hoạt động hợp đồng thuê bao dự phòng hỗ trợ và 99 xe (loại xe 19 chỗ ngồi, 1 xe chỗ đứng) tham gia tuyến xe buýt cố định.
Riêng các bến khách ngang sông, ngành cũng chỉ đạo phải tiến hành gia cố đường dẫn lên xuống phà, cầu dẫn, đèn chiếu sáng ban đêm, đặc biệt lchuẩn bị đầy đủ số lượng phương tiện đảm bảo tốt điều kiện vượt sông. Mặt khác, các đơn vị này phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về giá vé hai đầu bến phà, bến khách ngang sông, nhất là việc phòng, chống cháy nổ; cương quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Đối với bến khách ngang sông tại các chợ trung tâm đầu mối luôn sẵn sàng bố trí phương tiện dự phòng, nhằm đáp ứng kịp thời cho hành khách vào các giờ cao điểm, đảm bảo được thông suốt. Riêng cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ phải mang phù hiệu, bảng tên với thái độ phục vụ ân cần, thân thiện. Việc sắp xếp người và xe lên xuống ở các bến phải theo đúng quy định, kiên quyết không để hành khách ngồi trên xe. Hành khách đi qua sông phải mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi đúng quy cách.
Sở GTVT An Giang, các huyện, thị xã, thành phố và ngành chức năng liên quan tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; duy tu, sửa chữa các đoạn đường hư hỏng, mất an toàn giao thông. Rà soát lại các hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu, vạch sơn… bị thiếu hoặc mất tác dụng để bổ sung ngay, nhất là các đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông. Tại các dự án, công trình giao thông vừa thi công, vừa khai thác phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn giao thông; phải hoàn trả mặt đường trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 một tuần để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại…
Sở GTVT An Giang còn đề nghị Công ty Cổ phần Phà An Giang xây dựng kế hoạch phối hợp các cơ quan chức năng, chỉ đạo các bến phà trực thuộc trong toàn tỉnh có phương án bố trí phương tiện, sẵn sàng phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2023.