Tình hình hoạt động của các cảng biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Thứ sáu, 10/02/2023 14:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 04 cảng biển tổng hợp là cảng biển Phan Thiết, Phú Quý, Vĩnh Tân và Sơn Mỹ. Tính đến nay, đã có 03 cảng biển đang hoạt động, gồm cảng Phan Thiết, Phú Quý và Vĩnh Tân, còn cảng Sơn Mỹ đang trong giai đoạn thu hút đầu tư. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của tỉnh đạt 16,27 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 17,08%/năm (giai đoạn 2016 - 2019). Lượng hàng thông qua cảng biển của tỉnh năm 2021 là 13,28 triệu tấn.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Bình Thuận, Cảng quốc tế Vĩnh Tân hiện đang được sử dụng là cảng hàng hóa tổng hợp; cảng Phan Thiết, Phú Quý vừa vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách; chưa có tàu chở khách quốc tế cập cảng tại các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn có các khu bến cảng khác, gồm bến cảng dầu Dương Đông; bến cảng Kê Gà…

Chức năng của khu bến Vĩnh Tân hiện nay là phục vụ trực tiếp trung tâm điện lực Vĩnh Tân, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận và một phần hàng hóa khu vực Tây Nguyên; có bến tổng hợp, container, hàng rời. Cỡ tàu trọng tải đến 100.000 DWT. Hiện cảng Vĩnh Tân đã xây dựng và đưa vào khai thác 02 bến tàu là bến cập tàu 3.000 DWT và bến cập tàu 50.000 DWT. Cảng Vĩnh Tân được công nhận là điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung theo Quy định của Tổng cục Hải quan để tiếp nhận các tàu vận chuyền hàng xuất, nhập khẩu và các tàu quốc tế vào làm hàng tại Cảng. Theo quy hoạch, cảng Vĩnh Tân có thể tiếp nhận tàu với trọng tải đến 100.000 tấn. Năm 2020, lượng hàng hóa qua cảng Vĩnh Tân là 867.000 tấn.

Khu bến Sơn Mỹ có chức năng phục vụ trực tiếp khu công nghiệp Sơn Mỹ, tổng kho LNG Sơn Mỹ và Trung tâm điện lực Sơn Mỹ; có bến hàng lỏng/khí, bến tổng hợp, bến khách phù hợp với nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư. Vận chuyển tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 DWT; tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 DWT, tàu khách quốc tế phù hợp với thực tế nhu cầu, nhưng hiện nay chưa được đầu tư xây dựng.

Các khu bến khác, gồm Bến cảng Kê Gà có chức năng phục vụ nhà máy điện khí LNG Kê Gà phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực, kết hợp đầu tư xây dựng cảng du lịch ven bờ; cỡ tàu phát triển phù hợp theo nhu cầu và năng lực nhà đầu tư; hiện nay, chưa được đầu tư xây dựng. Các bến ngoài khơi tại các mỏ Hồng Ngọc, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Thăng Long - Đông Đô là các bến dầu khí được phát triển phù hợp với nhu cầu hoạt động khai thác mỏ.

Bến Phan Thiết, Phú Quý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tuyến từ bờ ra đảo, tiếp nhận tàu khách, tàu hàng trọng tải đến 5.000 tấn. Hiện nay, bến cảng Phan Thiết được đầu tư xây dựng để phục vụ khai thác tàu vận tải hàng hóa và hành khách từ thành phố Phan Thiết ra đảo Phú Quý. Bến cảng Phan thiết được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2018 với diện tích 5,3 ha, năng lực đón tàu có trọng tải 1.000 DWT, năng lực bốc xếp 2.000 tấn/ngày; chiều dài bến 91,6 m và 7 trụ neo, hệ thống cầu cảng dài tổng cộng gần 181 m, mớn nước trước bến 5,5 m.

Bến cảng Phú Quý được đầu tư xây dựng với quy mô 4,49 ha, với năng lực thông qua là 123,9 nghìn tấn hàng hóa/năm, có 01 cầu cảng chiều dài 51,2 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 2.000 tấn; hiện nay, bến cảng Phú Quý được đưa vào sử dụng để tiếp nhận tàu vận chuyển hành khách (tàu cao tốc) từ Phan Thiết đến đảo Phú Quý. Bến cảng dầu Dương Đông có thể tiếp nhận tàu chở xăng dầu trọng tải từ 5.000 DWT tới 15.000 DWT; dự kiến có thể mở rộng cảng tiếp nhận, nâng sức tiếp nhận đón tàu chở dầu 20.000 DWT, đáp ứng nhu cầu nhập những lô hàng lớn nhằm giảm chi phí vận tải. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các khu neo đậu chuyền tải, tránh, trú bảo tại Vĩnh Tân, Sơn Mỹ, Kê Gà, Phan Thiết, Phú Quý và các khu vực khác đủ điều kiện.

hoavt

Nguồn: Cổng TTĐT Bình Thuận

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)