Hàng loạt dự án mở đường vào cảng biển TPHCM trễ hẹn

Thứ năm, 16/02/2023 08:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống, nút giao Mỹ Thủy được lên kế hoạch triển khai cách đây nhiều năm hoặc khởi công nhưng thi công ì ạch khiến khu vực cảng Cát Lái - cảng đứng đầu cả nước về sản lượng vận chuyển hàng hóa bị kẹt xe triền miên.

Đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ nút giao Mỹ Thuỷ tới cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức)
luôn xảy ra ùn tắc. Ảnh: M.Quân

Ì ạch mở đường vào cảng

Hằng ngày, đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ nút giao Mỹ Thuỷ tới cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức), xe tải, container... luôn dày đặc do đây là tuyến độc đạo ra vào cảng. Trung bình mỗi ngày, đoạn đường này gánh 20.000 ôtô ra vào, đa phần là container. Cảng có tới 5 cổng giao nhận hàng nhưng chỉ một con đường dẫn vào rộng 12m, hỗn hợp các làn xe.

Cát Lái hiện là cảng lớn nhất nước với sản lượng hàng hoá chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% cả nước nên các tuyến đường xung quanh thường xuyên ùn tắc, giao thông phức tạp nhất TPHCM.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TPHCM Bùi Văn Quản cho biết, kẹt xe quanh cảng Cát Lái ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Trước tình trạng này, từ năm 2016, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã lập dự án nâng cấp đường Nguyễn Thị Định, mở rộng mặt đường lên 70-77m, tức hơn 6 lần hiện nay với tổng đầu tư 1.443 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm, dự án vẫn “án binh bất động" vì chưa có vốn.

Trong khi đó, cũng nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách cảng Cát Lái chưa đầy 500m, dự án nút giao Mỹ Thuỷ có vốn từ sớm nhưng lại liên tục gặp khó trong quá trình thực hiện. Hệ quả là tiến độ chậm và đội vốn từ 1.998 tỉ đồng lên 3.622 tỉ đồng.

Tương tự, đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường Nguyễn Thị Tư dài khoảng 1,6km, bị ví là "con đường tử thần" do xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người. Mặt đường chỉ rộng khoảng 7m, không dải phân cách, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn chạy cùng xe máy.

Năm 2019, Sở GTVT TPHCM phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30m cho 4 làn ôtô và 2 làn xe máy với tổng mức đầu tư 832,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 3 năm không triển khai tổng mức đầu tư hiện tăng lên thành 1.630 tỉ đồng - tức đội vốn gần 800 tỉ đồng (do tăng chi phí giải phóng mặt bằng).

Hàng loạt dự án hạ tầng khác quanh khu vực cảng Cát Lái như: nâng cấp đoạn đường Lương Định Của; mở rộng đường Đồng Văn Cống… đều trong trạng thái trễ hẹn.

Khởi động hàng loạt dự án lớn

Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết, nhiều tuyến đường kết nối các cảng ở thành phố bị chậm trễ nhiều năm do thiếu nguồn lực.

Từ tháng 4.2022, TPHCM đã triển khai thu phí hạ tầng cảng biển. Đến hết năm 2022, tổng nguồn thu đạt hơn 1.800 tỉ đồng. Dự kiến trong 5 năm, số phí TPHCM thu được khoảng 14.000 tỉ đồng.

Theo ông Bằng, sau khi trích một phần cho đơn vị thu, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng.

Hiện, Sở GTVT đã đề xuất UBND TPHCM bổ sung hơn 30.500 tỉ đồng vào kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 để làm 11 dự án giải quyết ùn tắc, tăng kết nối cảng biển.

Cụ thể, bổ sung 1.630 tỉ đồng nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh. 3 dự án để khép kín đường Vành đai 2, gồm: Đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (8.591 tỉ đồng); đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (8.458 tỉ đồng); đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh (9.240 tỉ đồng).

Tiếp đến là cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỉ đồng); đường Vành đai phía Đông đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (1.219 tỉ đồng); xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (578 tỉ đồng).

Bổ sung kế hoạch vốn cho 4 dự án mới, gồm: Hoàn thiện đoạn Vành đai phía Đông từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu (hơn 2.200 tỉ đồng); mở rộng trục đường Bắc Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (gần 4.500 tỉ đồng); nâng cấp cầu Bình Phước 1 và Bình Triệu 1 (gần 300 tỉ đồng).

nhunghv

Nguồn: Báo Lao động

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)