Dự án đường Vành đai phía Tây Cần Thơ sẽ được bổ sung thêm 100 tỷ đồng để chi trả bồi thường và tái định cư.
UBND TP Cần Thơ cho biết, vừa chỉ đạo việc triển khai thực hiện dự án đường Vành đai phía Tây; yêu cầu tính toán chi tiết, chính xác chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… để thực hiện điều chỉnh chủ trương do tăng tổng mức đầu tư, tránh trường hợp phải điều chỉnh nhiều lần.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND TP xem xét việc cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án đường Vành đai phía Tây.
Sơ đồ hướng tuyến Vành đai phía Tây.
Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP trình HĐND TP bố trí bổ sung vốn năm 2023 (100 tỷ đồng) cho Sở GTVT thực hiện chi trả bồi thường và tái định cư. Liên hệ Bộ KH&ĐT việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương nhằm giải quyết những khó khăn này.
Đồng thời, xem xét, tham mưu UBND TP cân đối, bố trí vốn thực hiện việc mở rộng các khu tái định cư theo đề nghị của UBND quận/huyện nhằm đảm bảo việc bố trí tái định cư khi có công trình thực hiện trên địa bàn quận/huyện.
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND quận/huyện tham mưu UBND TP phê duyệt lại giá đất cụ thể theo quy định…
Sở GTVT (chủ đầu tư) chủ trì, rà soát, tính toán chính xác chi phí phát sinh phần xây lắp. Đồng thời, phối hợp với UBND quận/huyện và các đơn vị liên quan thực hiện điều chỉnh dự án trong quý 1/2023.
Đối với quyết định phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt thì tiếp tục thực hiện việc chi trả; đối với trường hợp đã được phê duyệt nhưng người bị ảnh hưởng chưa chịu nhận tiền, cần lập hồ sơ, biên bản đầy đủ, tránh khiếu kiện về sau.
Trước đó, ông Dương Tấn Hiển cho biết, dự án đường Vành đai phía Tây gặp một số khó khăn sau gần 3 tháng khởi công. Theo ông Hiển, năm nay việc bố trí vốn GPMB cho dự án này gặp khó, vì đây là phần vốn của địa phương và hiện chỉ bố trí được hơn 200 tỷ đồng.
Dự án đường Vành đai phía Tây khởi công ngày 17/11/2022, thời điểm đó đã bàn giao được 30% mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đường Vành đai phía Tây có chiều dài gần 20km với 24 cây cầu. Sở GTVT TP Cần Thơ làm chủ đầu tư dự án này với tổng mức vốn hơn 3.837 tỷ đồng. Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ, còn lại địa phương cân đối. Thời gian thi công hoàn thành trong năm 2026.
Dự án đi qua 5 quận huyện gồm: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền, khi hoàn thành kết nối QL91 và QL61C.
Hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này, trong đó, quận Ô Môn có gần 500 trường hợp, quận Bình Thủy có 396 trường hợp, huyện Phong Điền có 300 trường hợp và quận Cái Răng có 38 trường hợp bị ảnh hưởng.
Theo UBND TP Cần Thơ, đường Vành đai phía Tây được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài rất quan trọng của TP.
Con đường sẽ kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL như QL91, QL61C và QL1A; kết nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và khắc phục ùn tắc giao thông cho thành phố.