Bạc Liêu: Nâng cao chất lượng vận tải bằng xe buýt

Thứ tư, 01/03/2023 09:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát triển và nâng cao mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh theo hướng cung cấp các dịch vụ xe buýt chất lượng, thuận tiện, phù hợp với nhu cầu đi lại của đa số người dân là mục tiêu của tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Người dân lên xe tại trạm xe buýt đường Hai Bà Trưng (Phường 3, TP. Bạc Liêu)

Nhiều phương tiện xuống cấp

So với danh mục mạng lưới tuyến đã được công bố năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chỉ có 6/11 tuyến xe buýt (tỷ lệ gần 55%), chưa mở hết các tuyến xe buýt nội ô, khu dân cư và các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Hiện, 6 tuyến xe kết nối từ TP. Bạc Liêu với 6 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh và 2 tỉnh liền kề là Sóc Trăng, Cà Mau có tổng số 69 phương tiện. Trong đó, hơn 50% phương tiện có thời gian sử dụng trên 13 - 18 năm tính từ năm sản xuất. Xe cũ, xuống cấp, thường xuyên hư hỏng nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Đa phần xe buýt chưa đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố; thông tin niêm yết theo quy định trên phương tiện không đầy đủ, phương tiện hầu hết sử dụng nhiên liệu dầu diezen, chưa có phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch; chưa có xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật. 

Bên cạnh đó, quá trình hoạt động vận tải hành khách, xe buýt cũng bộc lộ thêm các hạn chế khác như: tình trạng lái xe, nhân viên tự ý thu giá vé cao hơn so với giá kê khai, chưa có giá vé quy định cho từng đối tượng cụ thể (học sinh, sinh viên, người cao tuổi và các đối tượng khác), không xé vé cho khách. Đối với chất lượng dịch vụ, người dân phản ánh hiện nay nhiều xe buýt chất lượng kém; giao tiếp, phục vụ hành khách của tài xế, nhân viên nhà xe có lúc chưa nhã nhặn. Đồng thời, tần suất hoạt động của các tuyến chưa đều, thời gian xe chạy giữa các chuyến liền kề dài khoảng 35 - 45 phút, cá biệt có những chuyến người dân phải đợi hàng giờ đồng hồ… gây mệt mỏi, phiền hà.

Tăng sức hút của xe buýt

Nhằm nâng cao chất lượng xe buýt theo hướng hiện đại và tiện nghi, tháng 6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch 89 về phát triển, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2023 tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt. Nếu đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ theo kế hoạch thì mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác 6 tuyến xe buýt (không trợ giá) theo hình thức đấu thầu khai thác tuyến. Đồng thời, mở mới thêm 4 tuyến xe buýt với hình thức tương tự. Ở giai đoạn 2025 - 2030, mở mới thêm hoạt động tuyến xe buýt Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) - huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).

Thực tế, dịch COVID-19 trong thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, vận tải hành khách bằng xe buýt cũng không ngoại lệ, đặc biệt là kinh tế, nguồn vốn đầu tư nâng cấp xe buýt trở thành “bài toán khó”. Tuy nhiên, trước sự sụt giảm về chất lượng dịch vụ cung cấp, đòi hỏi các nhà xe phải tự hoàn thiện để tăng sức hút của xe buýt đối với người dân, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo về an toàn giao thông.

“Trên cơ sở Kế hoạch 89, Sở GTVT đang xây dựng các tiêu chí về đổi mới phương tiện trình UBND tỉnh ban hành để tổ chức đấu thầu. Đồng thời, Sở cũng tìm kiếm doanh nghiệp tài trợ 6 nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP. Bạc Liêu thay thế cho những nhà chờ đã xuống cấp cũng như bố trí mới nhà chờ xe buýt ở khu vực gần cổng Bệnh viện Quân dân y tỉnh (đường 23/8, Phường 8, TP. Bạc Liêu) để bà con đi xe không còn phải chịu cảnh mưa nắng”, ông Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Sở GTVT Bạc Liêu thông tin.

hoavt

Nguồn: Báo Bạc Liêu 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)