Dự án đầu tư cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu dài 5,2km vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua có tổng mức đầu tư gần 8.300 tỷ đồng.
Tin từ Sở GTVT Hà Nội, chủ đầu tư Dự án cầu Thượng Cát là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố. Dự án sẽ được thực hiện ngay trong năm 2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Cầu cắt qua đê Thượng Cát bắc qua sông Hồng
Tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 5,2km. Trong đó, chiều dài của cầu khoảng 4km; chiều dài cầu chính là 820m, bề rộng cầu khoảng 33m, thiết kế 8 làn xe.
Điểm đầu Km 3+505 - đường Kỳ Vũ, (điểm cuối dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32); Điểm cuối Km 8+724, đấu nối vào Đường khu công nghiệp Bắc Thăng Long (QL5 kéo dài, QL23B) tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Bề rộng nghiên cứu 50 - 60m.
Dự án xây dựng cầu Thượng Cát với quy mô đường trục chính đô thị có tốc độ thiết kế 80km/h, đảm bảo 8 làn xe, bề rộng cầu 33m; Chiều dài nhịp chính 820m, tổng chiều dài cầu 4.060m; Đường sắt đô thị số 7 đi độc lập với cầu đường bộ Thượng Cát về phía thượng lưu.
Nút giao đầu tuyến tại điểm đầu dự án, giao bằng với đường Kỳ Vũ hiện trạng, kết nối đường song hành hai bên, không giao trực tiếp với tuyến chính; Nút giao Bắc Thượng Cát tại điểm giao cắt với đường trục chính TC13 và nhánh nối đến đường trục Mê Linh (đầu tư nút giao dạng hoa thị không hoàn chỉnh).
Việc xây dựng hoàn thiện nút giao theo quy hoạch sẽ được thực hiện khi đầu tư đường trục chính TC13; Nút giao cuối tuyến Đại Mạch tại điểm đấu nối với đường vào khu công nghiệp Bắc Thăng Long (QL23B) sử dụng ngã ba kết hợp với cầu vượt trực thông theo hướng cầu Thượng Cát - QL23B.
Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường Vành đai 3,5 là đường trục chính đô thị bắt đầu từ tuyến đường nối giữa đường Vành đai 3 và Vành đai 4 thuộc xã Quang Minh đi về phía Nam qua cầu Thượng Cát - QL32 - Đại lộ Thăng Long - QL6 - Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và kết thúc tại cầu Ngọc Hồi.
Tuyến đường có chức năng kết nối nhiều trục hướng tâm quan trọng của thành phố (trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì, QL32, Đại lộ Thăng Long, QL6, QL1A, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...).
Hiện nay đoạn tuyến từ QL6 đến Đại lộ Thăng Long đã được đầu tư; đoạn tuyến từ QL32 đến Đại lộ Thăng Long đang thực hiện đầu tư theo 2 dự án, chuẩn bị đầu tư theo 1 dự án bằng nguồn vốn ngân sách thành phố do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư.
Dự án xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu và một số đoạn tuyến đã được UBND Thành phố cho phép thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32, đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến Pháp Vân - Cầu Giẽ...).
Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5; góp phần kết nối liên thông Đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.
Dự án cũng giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, nâng cao tỷ lệ mật độ đường giao thông đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh và các địa phương lân cận nói riêng và TP Hà Nội nói chung.
Thượng Cát là 1 trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch GTVT Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2015-2030. 9 cầu còn lại gồm Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).