Để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) giữa các phương thức vận tải, đặc biệt là loại hình vận tải đường sắt, nhằm khai thác tối đa thế mạnh, góp phần phát triển KT - XH, tỉnh đã chủ động thực hiện tốt các giải pháp về quy hoạch, bảo vệ, phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường sắt...
Qua đó, phát huy lợi thế của Vĩnh Phúc trên các hành lang kinh tế chiến lược, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đường ngang tại Km57+000 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đoạn chạy qua
địa bàn tỉnh thường xuyên đảm bảo an toàn cho các phương tiện.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 35 km, do Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Vĩnh Phú quản lý, bắt đầu từ Km36+950, địa bàn phường Phúc Thắng (Phúc Yên) đến Km69+725, địa bàn xã Việt Xuân (Vĩnh Tường), tiếp giáp với phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì (Phú Thọ).
Trên tuyến hiện có 17 công trình, gồm 5 nhà ga và 7 cầu vượt đường sắt, 1 cống chui và 4 đường ngang. Đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối thành phố Hà Nội với các tỉnh vùng núi phía Bắc của nước ta và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tuyến đường này hiện có nhiều đoạn bị xuống cấp, hư hỏng, như đường ray, ghi bị tật, mòn quá tiêu chuẩn; tà vẹt có nhiều chủng loại bị vỡ, hư hỏng… Do đó, không thể khai thác hết công suất và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.
Quán triệt thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của vận tải đường sắt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành Giao thông vận tải (GTVT) triển khai đồng bộ giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về việc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ.
Phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh rà soát, lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông, đèn cảnh báo, bổ sung biển báo tại các vị trí đường dân sinh, đường ngang có phòng vệ nhằm khắc phục các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường sắt trên địa bàn.
Huy động lực lượng quần chúng tham gia chốt gác tại các đường ngang dân sinh có nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) cao.
Nhờ đó, tốc độ chạy tàu và an toàn đường sắt được cải thiện; công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt từng bước được nâng cao.
Trong năm 2022, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Sở GTVT còn thực hiện công tác phòng vệ và duy tu đường ngang đường sắt tại Km55+200, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Hoạt động GTVT trên địa bàn tỉnh đảm bảo thông suốt, phục vụ tốt việc vận chuyển hàng hoá cho sản xuất, tiêu dùng và nhu cầu đi lại của nhân dân, 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành vận tải đạt trên 1.340 tỷ đồng, tăng 21,80% so với cùng kỳ.
Trong đó, vận tải hành khách đạt doanh thu trên 250 tỷ đồng, tăng 69,89%, hơn 5,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 58,42,%; luân chuyển đạt trên 302 triệu lượt khách.km, tăng 39,69% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 9,18%, vận chuyển được hơn 10,8 triệu tấn hàng hoá, tăng 26,31%; luân chuyển hàng hoá đạt 834,0 triệu tấn.km, tăng 33,38% so với cùng kỳ.
Sau gần 15 năm thực hiện Đề án tổng kết việc thực hiện Kết luận số 27 của Bộ Chính trị khoá X về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49 về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu huy động tối đa các nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống GTVT đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững.
Phát huy vai trò chủ đạo của vận tải đường sắt trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức GTVT đường sắt.
Chú trọng công tác quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp gắn kết với các tuyến, khu ga đường sắt để tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả khai thác vận tải đường sắt.
Tăng cường công tác quản lý của các cấp, các ngành trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang ATGT đường sắt và thực hiện các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Chủ động huy động nguồn vốn hợp pháp đầu tư các tuyến đường kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia trên địa bàn tỉnh; tham gia hỗ trợ đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Vĩnh Phúc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kết cấu HTGT trong giai đoạn mới, đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH của tỉnh.