Ngày 5/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cùng lãnh đạo các sở, ngành; UBND huyện Dương Minh Châu, UBND thị xã Trảng Bàng có buổi làm việc, kiểm tra thực tế các dự án ĐT787B, ĐT789, đường Đất Sét - Bến Củi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng kiểm tra thực tế các dự án
Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT782 - ĐT784 (đoạn từ tuyến tránh QL22 đến ngã tư Tân Bình) đã thi công hoàn thành và thông xe suốt tuyến 2 gói thầu với chiều dài gần 24km/45,8km. Đoạn còn lại dài gần 22 km đã thi công cơ bản hoàn thành, hiện nay, đang thực hiện công tác hoàn thiện, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 4/2023.
Dự án đường Đất Sét - Bến Củi có tổng chiều dài gần 17km. Đến nay thi công hoàn thành theo thiết kế khoảng 10km, các đoạn tuyến chưa thi công hoàn chỉnh dài 6,5km.
Dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789 có tổng chiều dài tuyến đường khoảng 48 km; qua địa phận thị xã Trảng Bàng 42km và huyện Dương Minh Châu 6km, được chia thành 3 dự án thành phần.
Trong đó, đối với dự án thành phần 1 - tuyến đường N8, đơn vị tư vấn thiết kế đang hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến thẩm định của Chi cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông vận tải để trình thẩm định, phê duyệt.
Tuyến đường đi qua các phường An Hoà, An Tịnh thuộc thị xã Trảng Bàng. Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Trảng Bàng đang triển khai công tác điều tra hiện trạng, kiểm đếm. Dự kiến sẽ hoàn chỉnh phương án bồi thường và chi trả trong quý III.2023.
Thi công trên tuyến ĐT787B
Đối với dự án thành phần 2 - tuyến ĐT787B, nhà thầu đang thi công đào/đắp mở rộng nền đường sỏi đỏ, nền đường đá 4x6, thi công lắp đặt rãnh thoát nước dọc tuyến đường bằng bê tông cốt thép.
Tuyến đường đi qua phường Trảng Bàng, phường Gia Lộc, phường Lộc Hưng và xã Hưng Thuận với tổng chiều dài tuyến hơn 14,8km, phạm vi giải phóng mặt bằng là 31m. Tổng số hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng là 1.611. Đến nay, đã chi trả 1.599 hộ dân và tổ chức (đạt 99,26%), với tổng số tiền khoảng 364 tỷ đồng (đạt 99,43%).
Dự án thành phần 3 - tuyến ĐT789 gồm 2 gói thầu thi công xây lắp, trong đó, gói thầu số 20, nhà thầu đã thi công hoàn thành sửa chữa, thảm bê tông nhựa bù phụ mặt đường cũ; hiện đang thi công đào/đắp mở rộng nền đường. Gói thầu số 21, nhà thầu đang thi công đào mở rộng nền đường; đắp sỏi đỏ; làm nền đường đá 4x6 (lớp 2)...
Sau khi khảo sát thực tế các công trình, đoàn công tác nghe các đơn vị, địa phương báo cáo tiến độ; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất.
Đối với Dự án đường liên tuyến N8 - 787B - 789, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng ngành giao thông kiến nghị Hội đồng bồi thường thị xã Trảng Bàng tiếp tục bàn giao mặt bằng các vị trí còn lại; UBND thị xã Trảng Bàng tiếp tục thông báo, tuyên truyền vận động người dân chủ động tháo dỡ, di dời nhà cửa, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hội đồng bồi thường huyện Dương Minh Châu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đơn vị cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh công tác quy hoạch và cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng (đất, sỏi) để kịp thời cung cấp cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, thi công đạt tiến độ đề ra.
Đối với Dự án đường Đất Sét - Bến Củi, một số đoạn tuyến do được bàn giao mặt bằng vào thời điểm gần hết thời gian thực hiện hợp đồng nên không đủ thời gian để thi công... Hiện nay, Ban QLDA ngành giao thông đang làm việc, thống nhất với nhà thầu để tiếp tục thi công phần khối lượng còn lại, làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, triển khai thi công hoàn thành gói thầu.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng đề nghị các địa phương chỉ đạo, khẩn trương, quyết liệt hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng chậm nhất đến ngày 30/6/2023. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân tự ý đào lấy đất ở công trình, có giải pháp xử lý nghiêm.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan phải quan tâm, quyết liệt hoàn thành đúng tiến độ thi công. Các sở, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng đặc biệt ở các dự án trọng điểm của tỉnh.