Mùa mưa bão 2023 đang đến gần, xác định lĩnh vực giao thông vận tải luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, mưa lũ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bắc Kạn đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trong ngành và phối hợp với các huyện, thành phố trong phòng, chống thiên tai (PCTT) với phương châm: “Lực lượng tại chỗ - Chỉ huy tại chỗ - Vật tư, hậu cần tại chỗ - Thiết bị tại chỗ”, sẵn sàng chỉ huy ứng cứu, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm giao thông được thông suốt trên các tuyến đường được giao quản lý với thời gian ngắn nhất trong mọi tình huống.
Nhà thầu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn- hồ Ba Bể
thi công kè ta-luy chống sạt lở trước mùa mưa bão
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn được giao quản lý 14 tuyến đường tỉnh và 03 tuyến quốc lộ, gồm: QL.279, QL.3B, QL.3C đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm giao thông của ngành Giao thông vận tải Bắc Kạn xây dựng cho mùa mưa bão năm nay tập trung vào các nhiệm vụ như: Đối với công tác quản lý, bảo trì đường bộ, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý các tuyến đường, tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống đường tỉnh và QL.279, QL.3B, QL.3C đoạn qua tỉnh Bắc Kạn và đoạn tuyến tránh QL.3 (đoạn qua thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn).
Kiểm tra các cầu, kè, đường tràn, cống, nền đường, mặt đường, hệ thống báo hiệu đường bộ... để đánh giá mức độ an toàn của các công trình, kịp thời phát hiện các vị trí hư hỏng nền, mặt đường, kết cấu công trình cầu, cống, đường tràn, ngầm, các vị trí cần gia cố...để xử lý kịp thời.
Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay cho đến tháng 6, mùa mưa bão năm nay được nhận định có thể ít hơn so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là so với năm 2020 và 2022. Dự báo từ nay đến tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông, khoảng từ giữa tháng 6, bão/ATNĐ có thể bắt đầu xuất hiện trên khu vực Biển Đông.
Theo quy luật khí hậu, những cơn bão đầu mùa thường xuất hiện ở khu vực Bắc Biển Đông và có xu hướng di chuyển lên phía Bắc. Từ tháng 8-10, bão có xu hướng di chuyển đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Dù số lượng cơn bão được nhận định có thể ít hơn nhưng mùa mưa bão năm nay vẫn có khả năng xuất hiện những cơn bão có diễn biến phức tạp về cường độ và quỹ đạo hoạt động.
Chỉ đạo các nhà thầu thực hiện quản lý bảo dưỡng thường xuyên, tiến hành nạo vét rãnh dọc, rãnh ngang, thông thoát lòng cầu, cống, khơi nước mặt đường, phát quang cửa thượng, hạ lưu cầu, cống, bảo đảm phát huy tối đa tác dụng của hệ thống thoát nước.
Tiến hành kiểm tra các dự án đang triển khai thi công nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. Kiểm tra các vị trí đổ đất thừa trên ta luy âm, các thung lũng để có biện pháp ngăn chặn, không để đất, đá sụt trượt, trôi vào nhà, ruộng, vườn của Nhân dân khi thi công các dự án.
Trên mỗi cung đường, tại các hạt quản lý đường bộ luôn túc trực một đội cơ động từ 10-15 công nhân, được trang bị tăng, bạt, đèn chiếu sáng, phương tiện liên lạc, biển báo và dụng cụ, để ứng cứu khi có lệnh. Ngành sẽ huy động toàn bộ ô tô, xe máy thi công của các đơn vị thực hiện quản lý các tuyến đường và huy động xe tải, xe chở khách, máy xúc, máy ủi, máy lu, xuồng máy, thuyền đò của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi có sự cố xảy ra.
Tại các điểm xung yếu, các đoạn đường hiểm trở sẽ bố trí máy ủi, máy xúc, thường trực thường xuyên khi có mưa bão. Dự phòng đá hộc tập kết tại các điểm với khoảng 1.750m3, 350 rọ thép. Kinh phí dự trù khắc phục với khoảng trên 10 tỷ đồng.
Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông khi có sự cố gây ách tắc giao thông trên cơ sở tính toán cụ thể, chi tiết.
Ông Ngô Thượng Hiền, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT) cho biết: Rút kinh nghiệm từ công tác bảo đảm giao thông mùa mưa bão năm 2022, năm nay ngành chủ động xây dựng phương án sớm hơn ngay từ đầu tháng 4 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, khắc phục kịp thời bảo đảm an toàn giao thông thông suốt trên các tuyến đường với thời gian ngắn nhất trong mọi tình huống.