Hà Nam là địa phương có vị trí và điều kiện kết nối giao thông đường thủy thuận lợi khi nằm trong đỉnh tam giác kết nối tuyến hành lang số 2 và số 3.
Việc hình thành các cụm cảng được đầu tư bài bản, quy mô lớn sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển vận tải thủy, thu hút đầu tư, tạo cơ hội cho sản xuất, phân phối hàng hóa cho Hà Nam và những vùng phụ cận. Trong tháng 7/2023, Cảng Thái Hà (Lý Nhân) chính thức đi vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa, giảm chi phí logistics.
Một góc Cảng Thái Hà.
Cảng Thái Hà thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Cảng được xây dựng ở vị trí hết sức thuận lợi, ở giữa trung tâm kết nối 4 tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình. Khu vực Cảng nằm ngoài phía hạ lưu của cầu Thái Hà ra cửa Biển Ba Lạt, nơi có cốt luồng sâu và thủy diện rộng nên không bị ảnh hưởng tới tĩnh không cầu Thái Hà. Do đó các tàu biển, tàu pha sông biển ra vào bốc xếp hàng hóa rất thuận lợi. Khi cảng Thái Hà đưa vào khai thác không chỉ thúc đẩy dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh, mà còn giảm chi phí sản xuất, cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp trong khu vực.
Ông Đinh Văn Tuyên (Công ty vận tải Quang Cường) cho hay: Trước đây không có cảng Thái Hà, doanh nghiệp phải đi xa, để xuống hàng, chi phí vận tải hàng hóa cao. Từ khi Cảng Thái Hà hoàn thành rất thuận tiện cho đoàn xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Cụ thể, nếu như trước đây chạy 1000 tấn có khi phải chạy hết 2,3 ngày. Bây giờ 1000 tấn chỉ chạy trong 1 ngày, hàng hóa lên xuống nhanh. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao năng lực vận tải hàng hóa.
Ông Lê Tuấn Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển KCN Thái Hà ( Lý Nhân) cho biết: Đối với giao thông đường thủy, cảng Thái Hà đưa vào khai thác sẽ nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN. Bởi các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI vào thì người ta rất quan tâm đến việc đường cảng, vị trí KCN gần cảng và gần sân bay. Đặc biệt là việc kết nối đồng bộ cảng và hạ tầng khung giữa cảng thủy nội địa đến các khu công nghiệp. KCN Thái Hà ngay ở vị trí gần cảng Thái Hà sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào KCN giảm chi phí sản xuất, vận tải, cung ứng hàng hóa.
Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), những năm gần đây Hà Nam đang trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đứng trong top 10 -15 tỉnh thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt nhất cả nước. Cùng với việc quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Hà Nam còn quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa trên địa bàn. Tập trung xây dựng các tuyến đường kết nối giữa các khu công nghiệp trên địa bàn với hệ thống cảng thủy nội địa. Hiện tỉnh cũng đang cho quy hoạch xây dựng các tuyến đường giao thông, kết nối liên vùng. Kết nối được các khu công nghiệp tới các sân bay cảng biển, đặc biệt là cảng thủy nội địa sao cho thuận tiện và rút ngắn khoảng cách. Một số tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công để triển khai một cách nhanh nhất đồng bộ nhất đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư. Khi các tuyến đường kết nối hoàn hoàn thiện thì việc việc vận chuyển hàng hóa từ cảng nội địa từ tỉnh Hà Nam cũng như các tỉnh xung quanh đi ra cảng biển Hải Phòng rất thuận lợi.
Theo ông Lê Mạnh Cương, Giám đốc điều hành Cảng Thái Hà ( Lý Nhân) cho biết: Nếu như tàu Contaner cảng sẽ đáp ứng được tàu 135 tew, chạy thẳng nội địa Bắc Nam. Đối với đường thủy nội địa cảng kết nối với cảng Hải Phòng. Hiện tại đang đi sà lan 72 tew, cứ đi 1 tuần 2 vòng kết nối với cảng Hải Phòng. Với 3 cầu tàu hiện có thì chúng tôi có thể đáp ứng được 9 tàu cập mạn, khai thác 24/24h. Tàu 3.500 tấn hiện nay chúng tôi tiếp nhận làm trong vòng 30 tiếng là xong.
Cảng Thái Hà vị trí nằm ngay nút giao giữa tuyến hành lang số 2 và hành lang số 3. Theo Cục đường thủy nội địa thì với 4 cầu tầu, cảng Thái Hà có thể tiếp đón được tầu biển, tầu SB có tải trong đến 3500 tấn, qua phương thức vận chuyển đường thuỷ. Cảng Thái Hà đi vào khai thác có thể giúp khách hàng trong tỉnh và các khu vực lân cận tiết kiệm tối thiểu từ 25-30% trên tổng chi phí logistics đường bộ. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cảng thủy nội địa rất cần có sự quan tâm của Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết nối, nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh.