Theo ước tính, toàn tỉnh Hà Nam hiện có 196 km đường sông, trong đó đường thủy nội địa do Trung ương quản lý khoảng hơn 100 km tập trung tại sông Hồng và sông Đáy, còn lại gần 80 km đường sông do địa phương quản lý. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Hà Nam phát triển vận tải đường thủy trong việc trung chuyển hàng hóa.
Đầu tháng 7/2023, cảng Thái Hà thuộc khu vực Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) được đưa vào khai thác đánh dấu bước phát triển giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Cảng được xây dựng ở giữa trung tâm kết nối 4 tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình. Khu vực cảng nằm ngoài phía hạ lưu của cầu Thái Hà ra cửa biển Ba Lạt, nơi có cốt luồng sâu và thủy diện rộng nên không bị ảnh hưởng tới tĩnh không cầu Thái Hà, bảo đảm cho các tàu biển, tàu pha sông biển ra vào bốc xếp hàng hóa rất thuận lợi. Cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 của cảng Thái Hà có tổng diện tích 9,3 ha. Chiều dài cầu tàu 750m, được bố trí 4 cầu tàu có thể tiếp đón được tàu biển, tàu Pha sông biển có tải trọng đến 3.500 tấn. Khi cảng Thái Hà đưa vào khai thác không chỉ thúc đẩy dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh, mà còn giảm chi phí sản xuất, cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp trong khu vực.
Ông Đinh Văn Tuyên, Công ty Vận tải Quang Cường cho biết: Trước đây không có cảng Thái Hà, doanh nghiệp phải đi xa để xuống hàng, chi phí vận tải hàng hóa cao. Từ khi cảng Thái Hà hoàn thành rất thuận tiện cho đoàn xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Nếu như trước đây chạy 1.000 tấn có khi phải hết 2-3 ngày thì bây giờ chỉ chạy trong 1 ngày. Hàng hóa lên xuống rất nhanh. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao năng lực vận tải hàng hóa.
Cùng với cảng Thái Hà, trong thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh đã có khoảng hơn 20 dự án cảng và bến thủy nội địa được quy hoạch, xây dựng trên khu vực các tuyến sông, trong đó đã có hơn 10 dự án cảng được đưa vào khai thác sử dụng. Các dự án cảng trên sông Đáy, sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam được quy hoạch theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, trên sông Hồng quy hoạch các cảng phục vụ tuyến vận tải sông pha biển, bốc xếp container, các loại hàng hóa có trọng tải lớn, hàng hóa xuất nhập khẩu. Trên sông Đáy, quy hoạch cảng phục vụ các loại xà lan, tàu thuyền dùng để chuyên chở vật liệu xây dựng, xi măng, xăng dầu, than. Ưu tiên quy hoạch xây dựng cảng, cụm cảng dùng chung, hạn chế tối đa việc mở cảng nhằm tiết kiệm đất. Khi đưa các cảng vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy dịch vụ vận tải thủy, giảm chi phí vận tải hàng hóa và bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ.
Tàu vào cảng Thái Hà bốc xếp hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Hò, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Hà cho biết: Công ty cổ phần Nam Hà đã xây dựng được 14 cầu cảng bằng bê tông có hệ thống mái vòm che chuyên rót vật liệu xây dựng xuống tàu. Qua thực tế cho thấy, việc xây dựng cảng dùng chung sẽ hạn chế được cầu cảng tự phát trên sông; giảm giá thành chi phí đầu vào cho doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa; giảm được mật độ giao thông trên các tuyến đường bộ và bảo vệ được kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện nay, cầu cảng của doanh nghiệp chuyên phục vụ đưa hàng hóa vật liệu xây dựng xuống tàu thủy chung chuyển đi các tỉnh trên địa bàn toàn quốc.
Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, trong các loại cước vận chuyển thì đường thủy có giá thấp nhất. Nhiều doanh nghiệp khai thác chế biến đá cạnh tranh bằng giá cước vận chuyển vật liệu xây dựng nên việc vận tải hàng hóa bằng đường thủy có nhiều lợi thế. Đặc biệt, thời gian qua, cơ quan chức năng tăng cường quản lý tải trọng trên đường bộ, nhiều doanh nghiệp đã chọn đường thủy để vận chuyển hàng hóa nên việc xây dựng cầu cảng dùng chung, cảng phục vụ vận tải thủy là phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng cảng và bến thủy nội địa, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn triển khai quá chậm. Một số doanh nghiệp đã nhận đất, song mới triển khai thiết kế mẫu cảng, kè bờ sông, chưa thi công cầu cảng. Đối với một số doanh nghiệp đã xây dựng xong cầu cảng, song trong quá trình khai thác đã bộc lộ một số hạn chế, đó là khi cấp vật liệu xây dựng xuống tàu lượng bụi lớn phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Đối với một số cụm cảng ven sông Hồng, sông Đáy đến thời điểm này còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, các thủ tục đánh giá tác động môi trường. Hơn nữa, việc xây dựng hạ tầng, kết nối với các cảng trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới nhu cầu khai thác vận tải thủy còn hạn chế.
Với vị trí chiến lược quan trọng cùng hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt, Hà Nam có lợi thế rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận cũng tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi cảng Hải Phòng rất lớn. Để đánh thức tiềm năng vận tải thủy, các ngành chức năng và địa phương cần tập trung giải phóng mặt bằng xây dựng dự án; các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư theo đúng cam kết. Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết nối là hết sức cần thiết nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh.