Giao thông đi trước mở đường, tạo nền tảng cho Hà Tĩnh phát triển

Thứ hai, 24/07/2023 08:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kiên cường, dũng cảm bám cầu, bám đường, giữ huyết mạch giao thông 2 miền Bắc - Nam thông suốt trong chiến tranh và khi đất nước thống nhất, ngành Giao thông vận tải Hà Tĩnh đã nỗ lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo nền tảng cho sự phát triển của tỉnh.

Kiên cường bám giữ trận địa cho giao thông thông suốt

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh là một trong những địa phương ở Khu 4 trở thành trọng điểm đánh phá, hủy diệt, đặc biệt trên tuyến giao thông xuyên Việt qua Hà Tĩnh vào Nam như tuyến quốc lộ (QL) 1, đường 15A và đường Hồ Chí Minh.

Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc) là giao điểm của
Quốc lộ 15 và các tuyến đường tỉnh, có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới
giao thông chiến lược Bắc – Nam, từng là trọng điểm đánh phá của Mỹ

Toàn bộ các tuyến vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ đều bị máy bay Mỹ ném bom dữ dội và tổn thất nặng nề. Mỹ dùng cả không quân, hải quân để khống chế và triệt phá, chúng đánh đồng bộ nhiều nơi, chọn nhiều trọng điểm làm “điểm chết” cho tuyến vận tải của ta nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Trong 8 năm tàn phá (1965-1972), riêng các mục tiêu GTVT ở Hà Tĩnh phải chịu 22.000 lượt oanh kích của địch. Những địa danh như: Linh Cảm, Đồng Lộc, Khe Giao trên tuyến QL 15A; Bến Thủy, cầu Họ, cầu Rác, Thượng Gia - Cổ Ngựa trên tuyến QL 1..., đã trở thành dấu tích không phai trong lịch sử tàn phá của chiến tranh.

Theo số liệu thống kê, đến tháng 6/1965, trong tổng số 178 cầu, cống với 379 km đường giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ còn 2 chiếc cầu chưa bị đánh sập. Sự hy sinh về người và của trong những năm tháng đó đối với lực lượng GTVT là rất lớn.

Toàn ngành có 581 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) hy sinh và hàng nghìn người bị thương, để lại một phần xương máu của mình trên từng cây cầu, từng mét đường. Tuy vậy, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến miền Nam đánh to thắng lớn”, CBCS ngành GTVT Hà Tĩnh thực sự là những người lính chiến trên vị trí của mình, cùng toàn quân và toàn dân dũng cảm đương đầu với quân thù để bảo vệ huyết mạch giao thông. Khẩu hiệu “Địch phá, ta sửa, ta đi” đến “Địch phá, ta cứ đi” là mệnh lệnh, là quyết tâm của lực lượng giao thông Hà Tĩnh.

Các điểm lửa mà địch tạo ra trở thành lò luyện lòng dũng cảm, đức hy sinh và khả năng sáng tạo. Hàng trăm cầu cống bị đánh sập thì hàng trăm ngầm mới, bến phà mới ra đời. Địch phá đường thành ao, thành ruộng, lực lượng GTVT Hà Tĩnh lấp vá bằng vật liệu tự có, bằng nhà cửa, gạch ngói, bằng cả máu của chính mình cho xe ra tiền tuyến.

Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, chỉ tính riêng tháng 7/1968, giặc Mỹ đánh vào đây 1.863 lần với 42.990 quả bom các loại. Trên mảnh đất Đồng Lộc, hố bom chồng lên hố bom, đường sá thành ruộng, thành bùn.

Mặc cho mưa bom, bão đạn, 16.000 CBCS ngành GTVT Hà Tĩnh cùng bộ đội, TNXP, công an... và Nhân dân đã mở 3 tuyến đường tránh dài 50 km, rà phá thành công hàng nghìn quả bom, đảm bảo cho Đồng Lộc luôn thông xe. Vào thời gian này, đã có 341 CBCS ngành GTVT Hà Tĩnh ngã xuống ở Đồng Lộc.

Với sự anh dũng trong chiến đấu, ngành GTVT Hà Tĩnh cùng với các đơn vị, địa phương khác đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Tạo nền tảng cho sự phát triển của Hà Tĩnh

Sự tàn phá của chiến tranh trong thời gian dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông của cả nước và cơ sở hạ tầng GTVT ở Hà Tĩnh cũng không ngoại lệ.

Ngành GTVT Hà Tĩnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”, ngay khi đất nước thống nhất, cùng với cả nước, ngành GTVT Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng, phấn đấu vượt bậc và đạt nhiều kết quả, thành tựu nổi bật được cấp trên ghi nhận.

Được sự hỗ trợ của các bộ, ngành và các tổ chức cùng nỗ lực thu hút tối đa nguồn vốn, ngành GTVT đã tập trung nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục tình trạng xuống cấp các tuyến đường, mở rộng và hiện đại hóa có trọng điểm mạng lưới GTVT, chú trọng phát triển vận tải đường bộ, đường biển, đường sông, phát triển giao thông nông thôn và miền núi.

Từ đây, nhiều tuyến giao thông mới hình thành, một số cây cầu lớn được xây dựng và nhiều tuyến đường quan trọng được nâng cấp, cải tạo, hình thành các trục dọc, các tuyến đường nối hành lang Đông - Tây, đáp ứng tiến trình phát triển KT-XH các tỉnh duyên hải miền Trung.

Có thể kể đến việc hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng QL 1, đường nối QL 1 - mỏ sắt Thạch Khê, QL 15 đoạn nối QL 1 (TP Hà Tĩnh) - đường Hồ Chí Minh (xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê); đường ven biển và cầu Cửa Nhượng; cầu Đồng Văn; đường tránh ngập lũ TP Hà Tĩnh - Kẻ Gỗ - Hương Khê; các công trình giao thông phát triển đô thị theo Nghị quyết 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…

Ngành GTVT Hà Tĩnh đã phối kết hợp với các đơn vị của Bộ GTVT hoàn thành nhiều tuyến giao thông trọng điểm như QL 1 đoạn từ Nam cầu Bến Thủy tới Bắc đường tránh TP Hà Tĩnh, QL 8, QL 12C, QL 1 tuyến tránh TX Kỳ Anh, cầu Bến Thủy 2, cầu Thọ Tường, cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh....

Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong việc hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 và 2 cảng biển nước sâu Vũng Áng, cảng nước sâu Sơn Dương (do Tập đoàn Formosa Đài Loan đầu tư 35 bến cảng); phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam cải tạo một số công trình cầu đường sắt, đầu tư xây dựng mới ga Yên Trung (Đức Thọ), từng bước nâng cấp ga Gia Phố (Hương Khê) thành ga chính…

Đặc biệt, hiện nay, tỉnh đang tập trung cao cho công tác GPMB, di dời tái định cư phục vụ xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam với chiều dài 107 km qua địa bàn tỉnh, xa hơn là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...

Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở GTVT cho biết, phát huy truyền thống vẻ vang của toàn ngành, những năm qua, cán bộ, nhân viên ngành GTVT Hà Tĩnh không ngừng nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Việc đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã tạo nên hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, miền ngược với miền xuôi, giữa Hà Tĩnh với nước bạn Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Từ đó, khai mở nền kinh tế, khai phóng tiềm lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

kieuanh

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)