Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ, kéo dài tuổi thọ công trình, mặt đường êm thuận, các phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ trên cả 3 tiêu chí, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GTVT, của tỉnh trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường bộ.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, địa phương và vốn sự nghiệp GTVT để thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; lựa chọn các nhà thầu có năng lực thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ do Bộ GTVT ủy thác quản lý.
Thi công xử lý tổ chức lại các hạng mục công trình giao thông nút giao giữa các Quốc lộ 21 và 21B
Sở GTVT đã giao cho Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đôn đốc đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng hoặc các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất đường bộ gây mất an toàn giao thông (ATGT). Xây dựng các phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí lực lượng thường trực để thực hiện công tác đảm bảo giao thông, khắc phục kịp thời hư hỏng công trình đường bộ tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông, bến phà, cầu phao để xử lý đảm bảo giao thông thông suốt.
Theo kế hoạch năm 2023, Bộ GTVT giao 10 công trình, đến thời điểm hiện tại Sở đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu 8 công trình, phê duyệt cập nhật giá trước khi tổ chức đấu thầu 2 công trình. Trong tháng 5-2023, Sở GTVT đã triển khai thi công một số công trình như: sửa chữa hệ thống thoát nước dọc tuyến Quốc lộ 21 (đoạn từ Km 147+200 đến Km 170+142); tổ chức lại giao thông khu vực nút giao giữa các Quốc lộ 21 và 21B (ngã tư đường S2 tại vị trí Km 152+600 trên Quốc lộ 21); sửa chữa các cầu: Lộc An, Nam Định, Vòi, Lạc Quần, Hải Hòa và lắp cọc tiêu phản quang - sơn đầu dải phân cách (đoạn Km 147+800 đến Km 152+600), sửa chữa, thay thế biển báo (đoạn Km 134+963 đến Km 208+280) trên tuyến Quốc lộ 21; sửa chữa mặt đường, gia cố lề đường Quốc lộ 37B (đoạn Km 105+900 đến Km 106+483); điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao Quốc lộ 38B (các vị trí Km 95+700; Km 98+500)…
Sau một thời gian đưa vào khai thác, vị trí ngã tư đường S2 là nút giao giữa 2 Quốc lộ 21, 21B đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT. Vì thế, Sở GTVT đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ GTVT chấp thuận danh mục công trình chuẩn bị đầu tư cho kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2023. Theo đó, tổ chức lại giao thông tại nút giao ngã tư đường S2 nhằm tạo thuận tiện cho người điều khiển phương tiện quan sát, chấp hành hiệu lệnh hệ thống báo hiệu đường bộ trong khu vực nút giao gồm: xây dựng mới 3 đảo giao thông (dạng đảo cứng) tại các góc giao giữa các Quốc lộ 21, 21B; nối dài dải phân cách giữa hiện hữu trên Quốc lộ 21B về phía trung tâm nút giao. Dỡ bỏ 8 cột cần vươn đơn lắp đèn tín hiệu giao thông tại 4 tuyến nhánh các Quốc lộ 21, 21B để di chuyển lắp đặt về phía trung tâm nút giao, lắp đặt mới 2 cột cần vươn đôi tại hai đầu dải phân cách giữa sau khi nối dài. Bổ sung đinh phản quang dọc theo vạch sơn tim, quanh các đảo giao thông trên Quốc lộ 21 và 2 bên dải phân cách trên Quốc lộ 21B trong khu vực nút giao…
Cuối tháng 5/2023, công trình đã được triển khai thi công; hiện tại nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục xây dựng các hố ga và lắp đặt ống thép kẽm D90 qua đường; lắp đặt bó vỉa dải phân cách và đảo giao thông; thi công móng cột đèn tín hiệu giao thông… Các công trình khác cũng đang được Sở GTVT chỉ đạo nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực thi công.
Đối với công trình bổ sung đột xuất, Sở GTVT đã kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam cho phép chuẩn bị đầu tư công trình sửa chữa năm 2023, bổ sung triển khai thực hiện 8 công trình. Đến thời điểm hiện tại đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 8 công trình và đã trình Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam bố trí vốn để triển khai các dự án. Ngoài ra, trong tháng 6/2023, Sở GTVT đã trình và được Bộ GTVT đồng ý, giao Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, có phương án, giải pháp khắc phục, sửa chữa cầu phao Ninh Cường trên Quốc lộ 37B, tỉnh Nam Định. Cầu phao Ninh Cường nằm trên Quốc lộ 37B, vượt sông Ninh Cơ nối hai huyện Trực Ninh và Nghĩa Hưng, có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt. Sau nhiều năm sử dụng, do ảnh hưởng của khí hậu vùng giáp biển, kết hợp với mưa bão, mực nước lũ sông hạ lưu thường xuyên lên, xuống nên hai dầm bailey của cầu phao Ninh Cường đã bị hư hỏng, xuống cấp... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Để đảm bảo ATGT, phục vụ đi lại của nhân dân và hoạt động giao thương, Sở GTVT đề xuất Bộ GTVT cho tháo dỡ toàn bộ hệ dầm bailey cũ đã bị hư hỏng; sử dụng 2 bộ dầm bailey dự phòng của Khu Quản lý đường bộ I (Bộ GTVT), cải tạo để lắp đặt thay thế dầm cũ. Sở đã thống nhất với Cục Đường bộ Việt Nam danh mục kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2024 đang trình Bộ GTVT phê duyệt danh mục công trình thuộc kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2024. Đối với công tác sửa chữa định kỳ hệ thống đường địa phương theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, Sở GTVT giao Ban Quản lý Bảo trì Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì thực hiện 9 công trình. Đến thời điểm hiện tại Sở GTVT đang thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật của cả 9 công trình, hoàn thiện các bước để triển khai thi công.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống giao thông đường bộ, Sở GTVT yêu cầu các phòng, ban, đơn vị tiếp tục quản lý chặt chẽ hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, tiến hành nghiệm thu khối lượng đã thực hiện theo các điều khoản trong hợp đồng, giảm trừ khối lượng công việc chưa thực hiện. Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời hoặc lập hồ sơ báo cáo cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm về lấn chiếm, sử dụng hành lang đường bộ, đặc biệt là các điểm đấu nối trái phép của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên các hệ thống đường tỉnh và quốc lộ để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông./.