Vận tải hành khách bằng xe buýt đang chật vật duy trì hoạt động, các doanh nghiệp đang gồng mình giữ tần suất khai thác tuyến.
Ông Châu Thanh Phong, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải, thông tin: “Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến xe vận tải hành khách bằng xe buýt hoạt động, tương ứng với 109 xe, 4 doanh nghiệp vận tải (Hợp tác xã (HTX) Vận tải đường bộ Ðồng Tiến, Chi nhánh DNTN Tuấn Hiệp, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ vận tải Hoà Hiệp và Công ty TNHH Vận tải thương mại Giáp & Diệp).
Sau dịch, do hoạt động kém hiệu quả nên chỉ duy trì 5 tuyến/76 xe, 2 tuyến ngừng khai thác là tuyến Cái Nước - Cái Ðôi Vàm (dừng từ tháng 7/2020) và tuyến Cà Mau - Thứ Bảy (dừng tháng 11/2022). Hiện nay, kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt còn hạn chế, 12 nhà chờ, xây dựng từ năm 2012-2014, nay đã xuống cấp, nhiều nhà cờ phải tháo dỡ vì hư hỏng nặng”.
Hiện nay, HTX Vận tải đường bộ Ðồng Tiến hoạt động 3 tuyến, với số lượng 29 xe, tần suất phục vụ 116 chuyến mỗi ngày.
Ông Ðỗ Hùng Dũng, Giám đốc HTX Vận tải đường bộ Ðồng Tiến, bộc bạch: “3 năm gần đây, việc kinh doanh vận tải liên tiếp gặp khó khăn, doanh nghiệp đối mặt với nhiều trở ngại, có tuyến phải chạy bù lỗ vì lượng khách giảm đáng kể. Cụ thể, tuyến Láng Trâm - Năm Căn và tuyến Cà Mau - Thới Bình giảm 50% lượng khách; tuyến Cà Mau - Sông Ðốc giảm 30% khách. Giá dầu thì tăng mà khách lại giảm, may là phần đông tài xế của HTX là người nhà nên cầm cự được đến thời điểm này”.
Ðối với Chi nhánh DNTN Tuấn Hiệp, tình hình cũng không khá hơn. Hiện doanh nghiệp này khai thác 3 tuyến, với 16 đầu xe (Cà Mau - Sông Ðốc, Ngã Năm - Cà Mau, Bạc Liêu - Phước Long). Tần suất các chuyến vẫn như trước nhưng lượng khách giảm 50% ở cả 3 tuyến.
Chia sẻ về việc lượng khách giảm, ông Lý Tuấn Hiệp, Giám đốc Chi nhánh DNTN Tuấn Hiệp, chia sẻ: “Xe thả, xe dù, xe dịch vụ... là nguyên nhân trực tiếp làm giảm khách; bên cạnh đó, phương tiện cá nhân liên tục đăng ký mới. Ðể cân bằng thu chi, doanh nghiệp buộc phải tăng giá vé. Tuy nhiên, không thể tăng theo giá thị trường, vì như vậy sẽ khiến khách quen bỏ tuyến. Bên cạnh đó, chi phí bảo dưỡng, chi phí vận hành phương tiện cao nên khó hoạt động như lúc trước”.
Các dịch vụ vận tải khách nở rộ với sức cạnh tranh gay gắt, cộng với khai thác không hiệu quả tuyến đường... dẫn đến doanh nghiệp không có kinh phí để duy tu, mua mới phương tiện. Ðược biết, với 76 xe đang tham gia hoạt động, có hơn 50% số lượng xe cần phải đại tu, nâng cấp và thay mới.
Sở Giao thông vận tải giám sát, kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất các xe chạy bất kỳ trên tuyến.
Các xe đang hoạt động hiện nay hầu hết được sản xuất từ năm 2011 trở về trước, sử dụng dầu diezen, chưa có xe sử dụng nhiên liệu sạch. Chưa kể, cơ sở vật chất đã xuống cấp nên chất lượng dịch vụ và tần suất hoạt động sẽ không đảm bảo, ít nhiều dẫn đến sự không hài lòng từ hành khách...
Ðể kịp thời nâng cao chất lượng dịch vụ, UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch “Phát triển, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, các doanh nghiệp đang khai thác các tuyến phải kịp thời thay thế phương tiện đã cũ, tuy nhiên, việc đáp ứng các yêu cầu về thay mới phương tiện là ngoài khả năng của các doanh nghiệp.
Dự kiến, giai đoạn 2023-2025 tỉnh mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác 2 tuyến xe buýt đã dừng hoạt động, là Cái Nước - Cái Ðôi Vàm, Cà Mau - Thứ Bảy (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Ngoài ra, mở mới 4 tuyến khi đảm bảo đủ điều kiện hoạt động gồm Cà Mau - Ðá Bạc, Cái Nước - Phú Mỹ, Năm Căn - Ðất Mũi, Năm Căn - Sông Ðốc, Cà Mau - Ðầm Dơi - Tân Thuận.
“Hiện tại, tuổi đời phương tiện đã 13 năm, với thực trạng vận tải hành khách cứ tiếp diễn theo đà này thì các tuyến dự định mở (mở lại và mở mới) doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng tham gia đấu thầu. Dự định của doanh nghiệp là khi đời xe khai thác hết sẽ ngừng hoạt động, nếu có đơn vị nào thay thế doanh nghiệp sẵn sàng nhường tuyến”, ông Tuấn Hiệp chia sẻ./.