Trong chương trình hành động về bảo đảm trật tự, ATGT vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Hà Nội phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) và ứng dụng công nghệ vào điều hành giao thông, nhằm góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Đầu tư cho tàu điện, xe buýt
Theo Sở GTVT, đến tháng 11/2022, Hà Nội có khoảng 7,9 triệu phương tiện giao thông, tốc độ tăng trưởng bình quân là 10%/năm đối với ô tô và 3%/năm với xe máy.
Thực tế, hạ tầng giao thông của thành phố đã quá tải trầm trọng, đặc biệt là khu vực nội đô và các tuyến đường trục xuyên tâm. Ví dụ như lưu lượng phương tiện di chuyển qua cầu Vĩnh Tuy đã gấp 8,1 lần so với thiết kế. Hay như lưu lượng tối đa của đường Láng là 3.000 phương tiện/giờ nhưng hiện tại đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ.
Để giảm thiểu phương tiện cá nhân, khắc phục UTGT, tất yếu phải đầu tư cho VTHKCC. Đến nay, mạng lưới VTHKCC của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 19,5% nhu cầu đi lại của người dân, kém xa so với mục tiêu là năm 2030 đạt khoảng 50 - 55%.
Theo Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, nguyên nhân khiến VTHKCC không đủ đáp ứng do các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) chậm tiến độ, hạ tầng dành cho xe buýt còn thiếu rất nhiều so với yêu cầu, thậm chí còn bị chiếm dụng.
Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đánh giá: Mạng lưới ĐSĐT phải là xương sống của hệ thống giao thông công cộng, yêu cầu đáp ứng trên 50% nhu cầu đi lại của người dân.
Sau 2 năm được đưa vào khai thác, mỗi ngày tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông phục vụ khoảng 35.000 lượt hành khách, góp phần tích cực giảm áp lực giao thông trên trục đường cửa ngõ Tây Nam Hà Nội.
Ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội chia sẻ: “Tôi cho rằng với thời điểm hiện tại thì Cát Linh - Hà Đông mới phục vụ được khoảng 25 - 30% công suất thiết kế. ĐSĐT phải hình thành theo chuỗi kết nối mới có thể đảm bảo phát huy được 100% năng lực”.
Thực tế đó cho thấy vai trò rất quan trọng của ĐSĐT và phù hợp với định hướng mà Chính phủ đưa ra cho Hà Nội là tập trung đầu tư phát triển VTHKCC một cách có hiệu quả, bền vững, đặc biệt với ĐSĐT.
Hệ thống xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân
Bên cạnh ĐSĐT, hệ thống xe buýt của Hà Nội hiện có 153 tuyến, trong đó có 10 tuyến chạy điện và 1 tuyến BRT. Hệ thống xe buýt khi kết nối với tuyến ĐSĐT số 2A đã được được điều chỉnh tối ưu, song song phát huy năng lực cho cả hai loại hình.
Chuyên gia về VTHKCC, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: “Trong hiện tại và cả tương lai, xe buýt vẫn luôn giữ vai trò chủ lực của hệ thống VTHKCC. ĐSĐT càng được đầu tư mở rộng lại càng cần có mạng lưới xe buýt kết nối nhịp nhàng để trung chuyển hành khách đến và đi”.
Vì vậy việc ưu tiên các điều kiện hoạt động, tăng cường mạng lưới cho xe buýt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội. Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội khuyến cáo, thành phố Hà Nội nên xem xét xây dựng làn đường dành riêng cho xe buýt, không gian đi bộ hợp lý tại điểm dừng đỗ tàu điện, xe buýt, xe đạp công cộng...
Ứng dụng công nghệ vào giao thông
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời đại 4.0 như hiện nay, ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống giao thông sẽ tạo nên bước đột phá trong việc giảm thiểu UTGT của Thủ đô.
Hệ thống giao thông thông minh không chỉ hỗ trợ lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm mà thông qua cơ sở dữ liệu được cập nhật, sẽ giúp Hà Nội kịp thời đưa ra các kịch bản vận hành, nhằm giảm thiểu tai nạn, UTGT.
Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có một hệ thống giao thông thông minh thật sự, hiệu quả từ ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành giao thông mới chỉ rõ rệt trên một số lĩnh vực.
Ví dụ, hiện Hà Nội đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông trên một số tuyến đường. Bên cạnh đó là những hạng mục ứng dụng công nghệ riêng lẻ như: thu phí không dừng, cân tự động, phần mềm tìm kiếm lộ trình xe buýt, taxi...
Nhưng cũng có những lĩnh vực đang bế tắc trong việc ứng dụng công nghệ. Ví dụ như ứng dụng tìm kiếm chỗ đỗ và thanh toán dịch vụ trông giữ xe tự động đã dừng phục vụ sau một thời gian triển khai, đến nay chưa có giải pháp nào thay thế.
Hay hệ thống thẻ vé liên thông dùng chung cho toàn mạng lưới VTHKCC vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Thậm chí việc cho phép người dân trả tiền vé lượt thông qua giao dịch điện tử khi sử dụng xe buýt, tàu điện cũng chưa thể thực hiện được.
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ đề ra cho Hà Nội là phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh, tích cực ứng dụng công nghệ để điều hành, quản lý, góp phần giảm thiểu UTGT.
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, việc áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức, điều hành giao thông gặp nhiều khó khăn do hạ tầng công nghệ của Hà Nội còn yếu, chưa có cơ sở dữ liệu đủ lớn.
Để xây dựng giao thông thông minh, Hà Nội cần chú trọng đầu tư và đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu của toàn thành phố. Từ đó, cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn sẽ có đầy đủ cơ sở để phân tích, đánh giá về mức độ UTGT và kịp thời đưa ra giải pháp xử lý.
Đồng thời, Hà Nội cần quan tâm đào tạo, tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng, có đủ trình độ, kỹ năng để vận hành, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, tổ chức giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc./.