Từ đầu mùa mưa bão đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình liên tiếp xảy ra các đợt mưa to, có nơi mưa rất to.
Điểm sạt lở trên QL6 đoạn Dốc Cun qua thành phố Hòa Bình
Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN
Mưa lớn kéo dài gây ra sạt lở đất, ngập úng nhiều nơi. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình trực tiếp đến các địa bàn bị thiệt hại, sát sao chỉ đạo ngành chức năng, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình, đợt mưa lũ kéo dài vừa qua làm sạt lở ảnh hưởng đến 98 nhà dân trên địa bàn các huyện Đà Bắc, Yên Thủy, Kim Bôi, Mai Châu... ngập úng 1.652,16 ha lúa, hoa màu và cây trồng khác. Nhiều tuyến đường trên Quốc lộ 6, Tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng, một số điểm nguy cơ sạt lở cao, tiềm ẩn nguy hiểm cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai biện pháp ứng phó mưa lớn; thực hiện giăng dây, cắm biển cảnh báo, cử người canh gác; không để người và phương tiện đi qua khu vực ngầm, tràn khi có mưa lũ lớn xảy ra; tổ chức tiêu thoát úng, đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Khảo sát trên địa bàn xóm Cỏ Giữa, xã Mỹ Thành (huyện Lạc Sơn), một số điểm sạt lở tại các hộ dân đất đá vẫn ngổn ngang, các mạch nước ngầm rò rỉ chảy trong khu vực nhà ở, vườn. Nhận thấy nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đời sống người dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của xã Mỹ Thành có mặt kịp thời tại hiện trường chỉ đạo, nhanh chóng di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Anh Bùi Văn Năm, ở xóm Cỏ Giữa chia sẻ, khi mưa bão xảy ra, nước ngấm từ trong đồi rò rỉ chảy quanh nhà và vườn ngày càng nhiều, gây ra hiện tượng nứt tường nhà. Nguy cơ có thể sập tường nhà, do vậy, chính quyền địa phương đã đưa gia đình đến nơi trú ẩn an toàn.
Ông Quách Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết, mưa lũ thời gian qua tràn vào một số hộ dân và nhiều diện tích lúa, hoa màu. Qua đó, tổ công tác chỉ đạo lực lượng của xã đảm bảo việc cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả. Nòng cốt là lực lượng Công an, quân sự, cán bộ xã về cơ sở giúp người dân di dời đến nơi trú ẩn an toàn và đảm bảo cuộc sống.
Tại huyện Kim Bôi, một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ vừa qua, công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ được các cấp chính quyền chủ động thực hiện, tránh tình huống bị động, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Bùi Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi cho biết, xã chủ động họp phân công nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên thường xuyên túc trực tại điểm nguy hiểm và nguy cơ sạt lở cao... Khi có tình huống khẩn cấp huy động toàn bộ lực lượng giúp nhân dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Trần Đức Thắng cho biết, đợt mưa lũ vừa qua ảnh hưởng diện rộng trên toàn tỉnh, thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu, công trình... Lực lượng chức năng của tỉnh đã ứng phó kịp thời để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo người dân được ưu tiên hàng đầu.
Ông Trần Đức Thắng cho biết thêm, để khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, trước hết, tại các điểm sạt lở nhỏ, ngành chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân cùng chính quyền địa phương tổ chức khắc phục. Còn các điểm sạt lở lớn, khắc phục lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn vốn khắc phục thời gian tới.
Mùa mưa bão còn tiếp diễn, do vậy, ngành chức năng tỉnh Hòa Bình luôn chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời huy động nguồn lực giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống.