Đầu tư bến thủy, xây công viên, phát triển du lịch dọc nhiều sông lớn tại Đà Nẵng

Thứ tư, 08/11/2023 14:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ đầu tư các bến thủy nội địa, công viên công cộng dọc ven sông và tàu thuyền khai thác du lịch mặt nước.

Tại Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ định hướng đầu tư hoàn thiện hạ tầng để đưa các khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng thành điểm đến hấp dẫn du khách. 

Ảnh minh họa

Đặc biệt, phát triển du lịch thủy nội địa, đầu tư các bến thủy nội địa, công viên công cộng dọc ven sông và tàu thuyền khai thác du lịch mặt nước dọc sông Hàn và sông Cổ Cò.

Theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ phát triển tuyến sông Hàn - sông Vĩnh Điện thành luồng địa phương khi đủ tiêu chí theo định hướng quy hoạch đường thủy nội địa quốc gia.

Đồng thời, phát triển các tuyến vận tải hành khách thủy nội địa kết nối cảng Tiên Sa và cảng sông Hàn; các tuyến vận tải hành khách từ cảng Tiên Sa đi vòng quanh bán đảo Sơn Trà, tuyến cảng Tiên Sa - khu du lịch Làng Vân - hòn Sơn Trà Con; tuyến cảng Tiên Sa - Cửa Đại - Cù Lao Chàm và các tuyến sông Cu Đê đi Hòa Bắc, Hòa Vang.

Cùng đó, phát triển các tuyến vận tải hành khách đường biển phục vụ nhu cầu đi lại của người dân kết hợp phát triển du lịch như: tuyến Hạ Long - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Huế - Thuận An - cảng Tiên Sa - cảng Sông Hàn, tuyến Đà Nẵng - Đảo Lý Sơn, tuyến Đà Nẵng - Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tuyến Đà Nẵng - đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); các tuyến vận tải hành khách đường biển quốc tế trực tiếp từ các nước: Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ, Châu Âu, Châu Á đến cảng biển Đà Nẵng.

Theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ phát triển 11 luồng tuyến phát triển cảng thủy nội địa với tổng chiều dài 98,9 km, bao gồm các luồng tuyến: Sông Hàn (đoạn từ cửa sông Hàn đến hạ lưu cầu sông Hàn), sông Hàn (đoạn từ hạ lưu cầu sông Hàn đến cầu Nguyễn Văn Trỗi), sông Hàn (đoạn từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến ngã ba sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ), sông Vĩnh Điện, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Yên, sông Quá Giáng (Bầu Sấu), sông Cu Đê, sông Cổ Cò (đoạn từ ngã ba Vĩnh Điện, Cổ Cò đến hạ lưu chùa Quan Âm), sông Cổ Cò (đoạn từ hạ lưu chùa Quan Âm đến điểm cuối sông).

Ngoài ra, Đà Nẵng còn dự kiến phát triển nhiều cảng, bến hành khách đường thủy nội địa. Cụ thể, hình thành 11 vị trí cho tuyến du lịch sông Hàn; 5 vị trí cho tuyến du lịch sông Cu Đê - sông Trường Định; 13 vị trí cho tuyến du lịch sông Cổ Cò - Sông Cái (Sông Vĩnh Điện); 10 vị trí cho tuyến du lịch sông Cẩm Lệ - Sông Túy Loan - sông Yên; 4 vị trí khu vực vịnh Đà Nẵng; 19 vị trí cho tuyến du lịch xung quanh Bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra, còn quy hoạch 2 vị trí khu vực tránh trú bão cho các tàu du lịch.

Trong đó, có những bến du thuyền nổi tiếng như Bến du thuyền quốc tế Thuận Phước, Đa Phước, Bến cảng du thuyền sông Hàn, Bến du thuyền tại khu vực dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng - Marina Complex...

kimcuc

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)