Bà Rịa Vũng - Tàu: Cảng biển lấy lại đà tăng trưởng

Thứ hai, 25/12/2023 14:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ Quý III/2023, hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi, kéo theo hàng hóa thông qua cảng biển cũng dần lấy lại đà tăng trưởng.

Các cảng ở Cái Mép-Thị Vải có thể tiếp nhận được tàu có sức chở từ 14.000 TEU.

Hàng hóa thông qua cảng biển tăng

Thông tin từ Sở GTVT cho biết, hàng hóa thông qua cảng biển tháng 12 đạt 8,4 triệu tấn, tăng hơn 40% so với cùng kỳ, nâng tổng số năm 2023 ước đạt 75,5 triệu tấn, tăng 5% so với năm trước. Dự báo, nhiều yếu tố tác động tới ngành cảng biển trong thời gian tới, bao gồm sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng từ các nước nhập khẩu. Doanh thu các DN cảng biển có thể tăng trưởng tốt hơn nhờ giá dịch vụ ổn định và từ năm 2024 hàng hóa thông qua cảng sẽ nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) cho biết, hàng hóa thông qua cảng tốt hơn trong 3 tháng cuối năm. Nhờ đó, năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua tại cảng TCIT dự kiến đạt 1,9 triệu TEU, tương đương năm ngoái, đứng đầu khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) với gần 40% thị phần và tiếp tục là cảng container nước sâu có sản lượng cao nhất cả nước.

Trong khi đó, Cảng Gemalink dự kiến đạt sản lượng 1 triệu TEU, giảm nhẹ so với năm 2022 nhưng từ tháng 10/2023 đến nay, các chuyến tàu cập cảng khá đều đặn. Có ngày cảng đón cùng lúc 2 tàu trọng tải lớn. Đặc biệt, năm 2023, cảng đón thêm 2 tuyến dịch vụ mới và liên tục đón “siêu tàu” trọng tải lên đến 24.000 TEU.

Tính đến tháng 12/2023, CM-TV đã thiết lập được 35 tuyến tàu container quốc tế vào cảng hàng tuần (11 tuyến nội Á, 10 tuyến bờ Đông nước Mỹ, 8 tuyến bờ Tây nước Mỹ, 2 tuyến Mỹ - Canada, 4 tuyến châu Âu), tăng 3 tuyến so với năm 2022. Hiện nay, trên thế giới có 3 liên minh hãng tàu lớn hoạt động (gồm: 2M, Ocean Alliance, The Alliance) và CM-TV đang là một trong những cảng lớn mà cả 3 liên minh này đều có tuyến dịch vụ. Những tuyến dịch vụ có hành trình dài ngày đặc biệt là tuyến Á-Âu đều do những siêu tàu vận chuyển.

Nhờ khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn mà các cảng ở CM-TV có thể tiếp nhận được tàu có sức chở từ 14.000 TEU, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các cảng châu Âu chỉ còn từ 23 đến 31 ngày. Ngoài ra, khi luồng CM-TV được nạo vét sâu -15,5m, CM-TV có lợi thế cạnh tranh hơn khi các tàu mẹ vừa khai thác hàng xuất nhập khẩu kết hợp cả trung chuyển để tăng kết nối.   

Nâng công suất khai thác

Đánh giá từ các hãng tàu cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển tại CM-TV được đầu tư hiện đại đã nâng cao chất lượng dịch vụ, đủ sức cạnh tranh ngang tầm khu vực và thế giới. Do đó, xu hướng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực CM-TV dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc Tài chính Gemadept (chủ đầu tư Cảng Gemalink) cho biết, năm 2024 dự báo sản lượng của Cảng Gemalink sẽ tăng 40% so với năm 2023 vì được hỗ trợ bởi 2 tuyến tàu mới và sự phục hồi của các tuyến hàng hiện hữu. Năm 2024, Gemalink sẽ đón thêm các tuyến tàu mới, đặc biệt là các tuyến tàu có trọng tải trên 22.000 TEU đi châu Âu. Đồng thời, Gemadept sẽ triển khai giai đoạn 2 Cảng Gemalink với quy mô 39ha, công suất 1,5 triệu TEU/năm, cỡ tàu tiếp nhận 250.000 DWT để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, Gemalink sẽ là cảng nước sâu lớn nhất cả nước với diện tích 72ha, công suất hoạt động 3 triệu TEU/năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng TCIT cho hay, để nâng cao công suất khai thác, TCIT tăng cường và phát huy sức mạnh hệ thống của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về khai thác cảng, kho bãi, phương tiện để tối đa tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tinh giản quy trình thủ tục giấy tờ cũng như tối ưu hóa hệ thống, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng./.

kimcuc

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)