Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Tiền Giang luôn ưu tiên xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông chính trong và ngoài tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và là một trong ba đột phá phát triển được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 kết nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương -
Mỹ Thuận - Cần Thơ mở ra dấu ấn rút ngắn khoảng cách các tỉnh trong vùng
Đánh giá về kết quả đạt được đối với ngành GTVT tỉnh Tiền Giang trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Giám đốc Sở GTVT Trần Văn Bon cho biết: "Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong vùng…" được xác định là một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang. Chính vì vậy, ngành GTVT tỉnh đã tham mưu chủ động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hiện đại, xây dựng trục ngang và trục dọc giao thông để kết nối liên thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài.
Với quyết tâm trên, trong năm 2023, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh chủ trì, phối hợp Bộ GTVT quản lý, đầu tư thực hiện một số công trình tiêu biểu như Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 (đã thông xe ngày 25/12/2023) kết nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ; Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2) đã hoàn thành đưa vào sử dụng và cuối năm 2023 tạo điều kiện lưu thông hàng hóa bằng đường thủy từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (và ngược lại). Dự án Cầu Rạch Miễu 2 đang triển khai thi công với khối lượng thi công đạt tỷ lệ trên 35%, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Đối với các tuyến đường liên kết Vùng, Dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 đang triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công trong quý II/2024. Bên cạnh đó, Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre giai đoạn 1 cũng đã được Sở GTVT hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến đóng góp các Bộ, ngành, Trung ương, tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Song song đó, đối với các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Tiền Giang thì Dự án đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư thành 02 dự án gồm: Đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến cầu Vàm Trà Lọt (chiều dài khoảng 12km, tổng mức đầu tư khoảng 121 tỷ đồng), đoạn từ TP. Mỹ Tho đến ấp Đèn Đỏ thuộc huyện Gò Công Đông (chiều dài khoảng 47,86 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.879 tỷ đồng). Trong đó, tỉnh Tiền Giang đang triển khai thi công 04 gói thầu gồm: gói thầu thi công xây dựng Đoạn từ tuyến Quốc lộ 50 đến Cầu Chợ Gạo (khối lượng thực hiện đạt 9,5%), gói thầu thi công Cầu Chợ Gạo và đường vào cầu (khối lượng thực hiện đạt 32%), gói thầu thi công xây dựng đoạn từ Cầu Chợ Gạo đến Đường tỉnh 877B (khối lượng thực hiện đạt 36,1%), gói thầu Thi công Cầu Vàm Giồng và đường vào cầu đã nghiệm thu đưa vào sử dụng. Dự án hai bên bờ sông Bảo Định xây dựng 9,978 km đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định, 10,288 km kè bảo vệ 2 bên bờ với tổng kinh phí 1.999,995 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 861, Đường tỉnh 863, Đường tỉnh 869, Đường tỉnh 879B (kết nối tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Long An); cầu Tân Thạnh bắc qua cù lao xã Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông)...
Đặc biệt, cầu Tân Phong (huyện Cai Lậy) sẽ được khởi công trong năm 2024 hứa hẹn kết nối phát triển kinh tế xã hội của một xã cù lao huyện Cai Lậy nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.
Năm 2024 được xem là một năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 05 năm 2021 - 2025. Vậy ngành GTVT tỉnh Tiền Giang đã đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, năm 2024, ngành GTVT tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2023 tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Bộ GTVT, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực trong toàn ngành, góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, Sở GTVT tỉnh tập trung tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, đề án; trong đó, ưu tiên tham mưu ban hành Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch giao thông như: đường Hùng Vương nối dài; trục giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh - tỉnh Long An - tỉnh Tiền Giang (tuyến Quốc lộ 50B); Cảng biển khu vực sông Soài Rạp…
Bên cạnh về công tác quản lý vận tải, đơn vị sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh tham mưu đưa vào khai thác tuyến phà biển huyện Cần Giờ - huyện Gò Công Đông; tăng cường quản lý chất lượng phương tiện vận tải, thực hiện đúng quy định công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện xe cơ giới.
Ngoài ra, về công tác quản lý đầu tư xây dựng cũng tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ GTVT chuẩn bị mở rộng cao tốc TP. Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, tăng cường phối hợp các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2. Mặt khác, đơn vị phối hợp các Ban Quản lý dự án chuyên ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chuyển tiếp như: Đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền); Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1), Đường tỉnh 879C; Cầu Tân Phong; Cầu Tân Thạnh, dự án đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định, Dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Song song, đơn vị tập trung hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương thực hiện Tiêu chí 2 về giao thông làm cơ sở ra mắt huyện nông thôn mới năm 2024; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Theo ông Trần Văn Bon, để hoàn thành các mục tiêu trên, bên cạnh việc chủ động, nỗ lực trong công tác lãnh đạo, điều hành của tập thể Sở GTVT cần phải tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ GTVT, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương để triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ đề ra.
Đơn cử, đơn vị phối hợp các ngành nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn về vốn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh, tiếp tục tham mưu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để góp phần tạo đột phá phát triển ngành GTVT gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn giao thông. Đẩy mạnh thực hiện cải cách, chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển vận tải như mở mới tuyến, đổi mới phương tiện một số tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh và mời gọi đầu tư, đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt chất lượng cao.
Có thể nói, với những kết quả tích cực và mục tiêu đề ra nêu trên đã góp phần cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được đầu tư từng bước hoàn chỉnh, phân bố rộng khắp kết nối liên vùng từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Qua đó, việc phát triển góp phần thực hiện một trong ba khâu đột phá chiến lược được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát huy lợi thế của vùng, tạo đột phá thu hút đầu tư góp phần phát triển kinh tế địa phương.